09/06/2023 - 19:29

Nhiều trường đại học Anh dính cáo buộc giúp Iran phát triển vũ khí 

NGUYỆT CÁT (Theo Telegraph)

Theo một cuộc điều tra mới được công bố trên tuần báo Jewish Chronicle, các nhà nghiên cứu tại nhiều trường đại học Anh bị cáo buộc đã giúp Iran phát triển các công nghệ tinh vi, có thể được sử dụng trong chương trình phát triển máy bay không người lái và chiến đấu cơ.

Một góc Đại học Cambridge nhìn từ trên cao.

Ðược biết, Anh đã cấm xuất khẩu công nghệ quân sự cho Iran, cũng như những công nghệ “lưỡng dụng” có thể được dùng vào các mục đích dân sự lẫn quân sự. Chính phủ xứ sương mù gần đây cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với những công dân Iran đang cung cấp cho Nga các máy bay không người lái kamikaze dùng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các phát hiện mới công bố cho thấy có ít nhất 11 trường đại học Anh có thành viên tham gia trong ít nhất 16 nghiên cứu, được cho là có tiềm năng được Iran ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, bao gồm phát triển các chiến đấu cơ và máy bay không người lái “cảm tử”.

Trong số đó, những phần nghiên cứu quan trọng đã được thực hiện bởi các giáo sư tại Ðại học Cambridge, Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn, Ðại học Glasgow, Ðại học Cranfield và Ðại học Northumbria. Như trong một dự án do Tehran tài trợ, các chuyên gia Anh đã nghiên cứu cải thiện động cơ máy bay không người lái bằng cách tăng độ cao, tốc độ và phạm vi hoạt động của chúng. Một trường đại học khác thì hợp tác với các nhà nghiên cứu Iran thử nghiệm hệ thống điều khiển mới cho động cơ máy bay phản lực, nhằm tăng “khả năng cơ động và thời gian phản ứng” của chúng trong các ứng dụng quân sự.

Trong số các hoạt động hợp tác chủ chốt giữa các học giả Anh - Iran, các nhà điều tra phát hiện có một nghiên cứu chung được thực hiện bởi chuyên gia Ahmad Najjaran Kheirabadi tại Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn và các nhà khoa học đến từ Ðại học Công nghệ Shahrood và Ðại học Ferdowsi của Iran. Công trình này phân tích việc nâng cấp các động cơ nhằm tăng cường sức mạnh cho các máy bay không người lái, gồm cả máy bay không người lái tự sát HESA Shahed 136 mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Trước đó vào năm 2021, nghiên cứu chung giữa Ðại học Cranfield và Ðại học Khoa học và Công nghệ Iran đã kiểm tra “các ứng dụng quân sự” của các hệ thống tiên tiến được gọi là “bộ điều khiển mờ” trong các động cơ tuabin phản lực. Iran cũng đã làm việc với Ðại học Cranfield, đơn vị có quan hệ đối tác chiến lược với Không quân Hoàng gia Anh.

Cũng theo cuộc điều tra, các dự án nghiên cứu chung Anh - Iran được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ Iran. Cả cựu Bộ trưởng Kamran Daneshjoo và đương kim Thứ trưởng Mohammad Nouri đều nằm trong danh sách các cá nhân bị Anh trừng phạt.

Quan ngại trước những phát hiện mới, nhiều nghị sĩ Anh kêu gọi các bộ trưởng mở cuộc điều tra các nghiên cứu đã được tiến hành như thế nào, khi mà chính phủ luôn khẳng định Anh “không chấp nhận sự hợp tác làm tổn hại đến an ninh quốc gia”. Lời kêu gọi điều tra được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang chịu áp lực ngày càng lớn về việc xem Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC, đơn vị kiểm soát kho tên lửa và máy bay không người lái của Iran) như là một tổ chức khủng bố.

Hamish de Bretton-Gordon, cựu đại tá Quân đội Anh và là một chuyên gia vũ khí hóa học, nói rằng ông không tìm ra lý do gì để các trường đại học Anh hợp tác nghiên cứu với các trường đại học Iran. “Nếu họ đang hợp tác trong các dự án có tiềm năng ứng dụng trong quân sự thì tôi không còn gì để nói. Tôi cho rằng các cơ quan an ninh của chính phủ phải tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và có hành động phù hợp nếu phát hiện những cáo buộc này có căn cứ” - ông nói thêm.

Chia sẻ bài viết