10/05/2019 - 20:57

Nhân rộng “Cánh đồng lớn” sản xuất, tiêu thụ lúa gạo 

(CT)- Ngày 10-5, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Liên kết sản xuất lúa”. 

Ban Cố vấn Diễn đàn trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp, nông dân

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018 các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trở nên khá phổ biến. Qua thống kê, cả nước có 6.800 mô hình với khoảng 1 triệu héc ta diện tích liên kết. Nổi bật là mô hình “Cánh đồng lớn” trên cây lúa diện tích hơn 516.000ha, với 619 nghìn hộ tham gia. Riêng vùng ĐBSCL, “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất lúa có khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng. Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi héc ta lúa tham gia “Cánh đồng lớn” có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, sản lượng tăng từ 20-25%, thu lãi thêm 2,2-7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa nói chung và “Cánh đồng lớn” nói riêng ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra hạt lúa chưa thật sự ổn định. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh...

Sản phẩm máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu trưng bày tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, để việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa thêm hiệu quả và bền vững, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống lúa sao cho phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khuyến khích sản xuất lúa sạch, hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu lúa gạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết