02/07/2018 - 10:04

Nhật Bản đau đầu với con của các bà mẹ đơn thân 

Cái nhìn khắt khe của xã hội Nhật Bản đối với mẹ đơn thân đang tạo ra một thế hệ những đứa trẻ bị ngược đãi, trong đó phần lớn chúng đều nghèo khó, ít được ăn học và tương lai mờ mịt. Không giải quyết được vấn đề này, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ mất đi nguồn nhân lực dồi dào trong tương lai.

 Ảnh: Bloomberg

Khi thông tin về vụ bé trai 4 tuổi bị mẹ và "đồng bọn" bạo hành đến chết gây phẫn nộ và bàng hoàng trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản hồi cuối năm ngoái, Orie Ikeda (ảnh) có thể hiểu được bởi cô cũng là mẹ đơn thân của hai con. Tuy nhiên, Ikeda may mắn hơn khi đã tìm cách tham gia khóa đào tạo của chính phủ để có được một trong những công việc hưởng lương thấp nhất xứ sở hoa anh đào: chăm sóc những người lớn tuổi.

Phần lớn các bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản đều sống bằng nguồn thu nhập chưa đến phân nửa thu nhập bình quân đầu người cả nước, mức nghèo khó theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong OECD, Nhật Bản là quốc gia hà khắc nhất đối với cha hoặc mẹ đơn thân lao động kiếm tiền. Tỷ lệ trẻ em nghèo ở những gia đình này là 56%, cao nhất trong số các nước OECD, so với 32% ở Mỹ. Theo Bộ Lao động Nhật Bản, trong khi dân số nước này đang giảm, số gia đình có mẹ đơn thân tăng khoảng 50%, lên 712.000 hộ trong giai đoạn 1992-2016. Không tới 50% mẹ đơn thân nhận được tiền trợ cấp và thậm chí nếu có việc làm, thu nhập của họ vẫn không được cải thiện bao nhiêu bởi những định kiến xã hội. Phụ nữ lao động ở Nhật Bản thu nhập ít hơn gần 30% so với nam giới làm cùng một công việc. Còn những người nhận tiền trợ cấp hoặc được hỗ trợ từ chồng/bạn trai cũ hoặc sống chung ba mẹ là những trường hợp may mắn.

Thực ra, nguyên nhân mẹ đơn thân và các con sống trong cảnh nghèo khó không chỉ vì tiền bạc. Đó còn là do chi tiêu công ưu ái những người già ở nước này. Nhật Bản tiêu tốn tới 121,3 ngàn tỉ yen cho an sinh xã hội trong năm tài khóa 2018 và con số này dự kiến sẽ tăng 60%, lên 190 ngàn tỉ yen vào năm 2040.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng khuyến khích phụ nữ "tỏa sáng" bằng cách cân bằng giữa nuôi con và làm việc.  Tỷ lệ nữ lao động đang tăng, một phần nhờ số lượng vị trí việc làm bán thời gian được nâng lên. Nhưng với một người mẹ đơn thân giấu tên, "tỏa sáng" đơn giản chỉ là có cuộc sống bình thường và ưu tiên của cô là có khả năng nuôi các con. Cô phải làm 2 công việc bán thời gian, tiếp tân và nhân viên bán hàng, trong khi những mẹ đơn thân khác thậm chí phải "cày" nhiều hơn.

Ở Nhật Bản, cứ 7 trẻ lại có 1 trường hợp nghèo khó. Không cứu vãn được "thế hệ" này, Nhật Bản sẽ mất 2,9 ngàn tỉ yen (26,3 tỉ USD) tiền thu nhập và hơn 1,1 ngàn tỉ yen tiền thuế, đồng thời tốn thêm các khoản chi phí an sinh xã hội hàng năm cho những đứa trẻ cũng như mất đi cơ hội sở hữu nguồn lao động trẻ có tay nghề cao, theo Quỹ Nippon. Đáng nói là Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số.

Trong số 1.447 trường hợp ngược đãi trẻ em tính từ tháng 3-2004 đến nay, có 32% vụ xảy ra ở những gia đình đơn thân và 31% vụ ở những hộ gặp khó khăn về kinh tế. Trong bối cảnh trên, các trại mồ côi trở thành nơi tá túc của các trẻ bị ngược đãi. Hiện có khoảng 60% trẻ nhỏ được tiếp nhận vào trung tâm từng bị ngược đãi hoặc bỏ rơi. Đến 18 tuổi, độ tuổi chúng phải rời trại mồ côi, nhưng chỉ có 12% trường hợp vào đại học.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg, asiaventurepedia.com)

Chia sẻ bài viết