28/04/2011 - 08:41

Nguy cơ "khai tử" hiệp ước Schengen

Tổng thống Pháp Sarkozy (trái) và Thủ tướng Ý Berlusconi tại cuộc họp báo ở Roma hôm 26-4. Ảnh: Reuters

Pháp và Ý đang thách thức hệ thống miễn thị thực trong Liên minh châu Âu (EU) theo cái gọi là Hiệp ước Schengen, khi cho rằng cuộc khủng hoảng người nhập cư từ các nước Bắc Phi đã trở thành vấn đề lớn đối với cơ chế tự do đi lại dành riêng cho hơn 400 triệu người ở 25 nước châu Âu.

Cùng với đồng tiền chung euro, Hiệp ước Schengen được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của châu Âu trong quá trình nhất thể hóa khu vực nhiều thập niên qua. Hệ thống miễn thị thực bắt đầu có hiệu lực vào năm 1995 (Anh và Ireland là hai nước EU không áp dụng cơ chế này). Tuy nhiên, cũng như đồng euro đang chống chọi với cuộc khủng hoảng trầm trọng, cơ chế Schengen đang bị lung lay trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy khắp EU.

Sau cuộc gặp cấp cao tại Roma đầu tuần này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã nhất trí kêu gọi thay đổi Hiệp ước Schengen. Hai nhà lãnh đạo cảnh báo rằng tình hình biến động ở Bắc Phi có thể “nhanh chóng chuyển sang khủng hoảng toàn diện” dẫn tới làn sóng người di cư ồ ạt đến châu Âu, “làm giảm niềm tin của công dân EU với quy trình miễn thị thực trong khu vực Schengen”. Vì vậy, hai nước sẽ nỗ lực ngăn chặn nạn nhập cư và yêu cầu EU tìm cách ký hiệp ước về trục xuất với các quốc gia đang xảy ra biểu tình ở Bắc Phi, sau khi đã có gần 30.000 người, chủ yếu từ Tunisie, tràn vào Ý vài tháng qua. Tổng thống Pháp và Thủ tướng Ý quyết định tăng sức ép lên Ủy ban châu Âu (EC) và các thành viên EU khác, yêu cầu “xem lại hoàn toàn” qui định về miễn thị thực. Hai ông đã gởi một bức thư chung cho các nhà lãnh đạo EU, hối thúc “xem lại khả năng tái lập tạm thời việc kiểm soát biên giới” tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6 tới.

N. KIỆT (Theo Guardian, Telegraph, NYT)

Chia sẻ bài viết