24/09/2020 - 09:42

Nguy cơ IS hồi sinh 

Trong bối cảnh các cuộc tấn công của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng gia tăng, các cuộc điều tra phát hiện hoạt động buôn người, buôn lậu và kinh doanh dịch vụ tiền tệ của lực lượng này trải dài từ châu Phi đến châu Âu.

Các tay súng IS thời còn “làm mưa làm gió”. Ảnh: AFP

Các tay súng IS thời còn “làm mưa làm gió”. Ảnh: AFP

Theo các cuộc điều tra trên, IS vẫn dồi dào tiền bạc bất chấp bị đại bại trong thời gian qua. Chúng sở hữu nguồn tài chính và một loạt các nguồn thu mà giới chức an ninh phương Tây cảnh báo được dùng làm bàn đạp cho sự hồi sinh đầy nguy hiểm.

Có nguồn tài chính “khủng”

Sự kiểm soát của IS đối với một vùng rộng lớn ở Syria và Iraq đã bị phá vỡ hồi năm ngoái khi liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đánh bại chúng, cắt phần lớn nguồn thu nhập từ dầu, thu thuế và tống tiền, tái chiếm các ngân hàng địa phương mà chúng chiếm giữ. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn moi được tiền người dân địa phương tại các khu vực mà chúng còn kiểm soát; tống tiền các doanh nghiệp; tạo nguồn thu bất chính từ buôn người. Đặc biệt, các chân rết của IS hoạt động mạnh tại thị trường thuốc lá lậu ở Pakistan và Afghanistan, trong khi một số nhà tài trợ ở Trung Đông ra sức gây quỹ cho chúng.

Đáng lo ngại hơn khi các báo cáo về sức mạnh tài chính làm dấy lên mối lo ngại rằng IS có đủ khả năng tài trợ cho các cuộc tấn công trong những năm tới, trong bối cảnh Mỹ quyết định giảm lực lượng quân sự ở Iraq, sau khi cắt giảm binh sĩ ở Syria - những nơi mà IS từng tuyên bố là “Vương quốc Hồi giáo”. Bộ Tài chính Mỹ ước tính, nguồn tài chính dự trữ của IS có thể lên đến 300 triệu USD. Còn Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng 7 cho biết lực lượng này có ít nhất 100 triệu USD. Trong vòng 18 tháng qua, Washington và đồng minh đã trừng phạt hơn một chục cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức vì đã hỗ trợ tài chính cho IS. Theo Bộ Tài chính Mỹ, các tay súng IS có thể đến và đi khỏi Iraq và Syria, sử dụng các công ty chuyển phát tiền mặt, các công ty bình phong, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn tài liệu do liên quân thu hồi sau khi IS sụp đổ cho thấy lực lượng này đã đầu tư hàng triệu USD vào các doanh nghiệp hợp pháp, gồm khách sạn, bất động sản. Còn các quan chức chống khủng bố phát hiện, buôn lậu thuốc lá là một nguồn thu “khủng” của IS, mang lại cho chúng vài trăm triệu USD mỗi năm. Hiện Lashkar-e-Islam, đồng minh quan trọng của IS dọc theo biên giới Afghanistan - Pakistan, đang khai thác hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp trên khắp khu vực. Manghal Bagh, thủ lĩnh của Lashkar-e-Islam, còn nắm quyền kiểm soát nhiều nhà máy sản xuất thuốc lá ở vùng Khyber của Pakistan. Trong khi đó, mạng lưới Selselat al-Thahab được cho đang giúp IS chuyển tiền từ các thành trì cũ ở miền Đông Syria tới Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cũng như tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi dụng cả COVID-19

IS cũng đã tìm kiếm nhiều cơ hội mới trong đại dịch COVID-19. Theo đó, cố vấn tài chính của IS có tên Murat Çakar ở Thổ Nhĩ Kỳ bán khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác trên các trang web bán hàng trực tuyến. Giới chức trách cho biết, Çakar sử dụng các nền tảng kinh doanh khác và tài khoản điện tử để quyên tiền cho IS.

COVID-19 cũng được sử dụng trong các chiến dịch truyền thông xã hội để quyên góp tiền cho gia đình các tay súng IS sống tại al-Hol, trại giam lớn gần biên giới Syria - Iraq và được giới phân tích chống khủng bố xem là căn cứ tiềm năng cho sự hồi sinh của IS. Từ al-Hol, các tay súng IS đến thành phố Idlib (Syria), nơi các thủ lĩnh của chúng ẩn náu. IS cũng thu tiền từ việc tống tiền, bắt mỗi chủ trang trại phải trả số tiền lên tới 70.000 USD.

Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, tại phiên điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện mới đây cảnh báo, IS vẫn tiếp tục mở rộng ra toàn cầu với khoảng 20 chi nhánh. Theo ông Miller, kể từ khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt vào tháng 10-2019, tân thủ lĩnh Mohammed Said Abd al-Rahman al-Mawla vẫn có thể chỉ đạo các chi nhánh thực hiện những cuộc tấn công mới. Còn mới đây, LHQ cho hay hơn 10.000 tay súng IS được cho đang hoạt động ở Iraq và Syria. 

Giao tranh giữa IS và quân đội Syria

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 22-9 cho biết giao tranh giữa các lực lượng ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các phần tử thánh chiến IS ở sa mạc thuộc tỉnh Raqqa, miền Bắc Syria, đã làm ít nhất 28 tay súng hai bên thiệt mạng.
Theo SOHR, từ ngày 21-9, các tay súng IS đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria, vị trí của lực lượng đồng minh cũng như các trạm kiểm soát ở khu vực sa mạc Badia tỉnh Raqqa, giết hại 13 binh sĩ quân đội Chính phủ Syria. Lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad đã đáp trả bằng các cuộc không kích và tấn công trên bộ, tiêu diệt ít nhất 15 tay súng IS.

TRÍ VĂN (Theo WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết