17/04/2016 - 17:48

Nguy cơ Chiến tranh lạnh hồi sinh vì chạy đua hạt nhân

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang ráo riết theo đuổi một thế hệ mới các vũ khí hạt nhân nhỏ và có sức hủy diệt thấp hơn- động thái được cho sẽ khiến cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh lạnh "hồi sinh" và phá vỡ sự cân bằng về sức mạnh răn đe giữa các quốc gia, vốn giúp cho thế giới không phải hứng chịu một vụ tấn công hạt nhân nào trong hơn nửa thế kỷ qua.

Theo tờ Thời báo New York, Mỹ dự kiến sẽ chi số tiền lên tới 1.000 tỉ USD trong vòng 3 thập kỷ tới cho chương trình hạt nhân của mình. Sau thất bại hồi năm 2014, Mỹ dự định nối lại việc bay thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào năm tới. Washington cũng có kế hoạch phát triển 5 lớp vũ khí hạt nhân cải tiến và các phương tiện vận chuyển chúng theo hướng vũ khí hạt nhân của Mỹ ngày càng nhỏ, tàng hình và chính xác.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân thu nhỏ diễu hành qua Quảng trường Đỏ hồi tháng 5-2015. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Nga đang phát triển các loại tên lửa cỡ lớn được gắn các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Theo các phương tiện truyền thông Nga, Hải quân nước này đang phát triển một loại máy bay không người lái hoạt động ngầm dưới biển, có khả năng tạo ra đám mây phóng xạ từ một vụ nổ dưới nước để nhắm mục tiêu phá hủy các thành phố.

Còn quân đội Trung Quốc dưới sự giám sát chặt chẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang bay thử nghiệm một đầu đạn mới gọi là "xe lượn siêu thanh". Nó được đưa vào không gian bằng một tên lửa tầm xa truyền thống, nhưng sau khi đi vào khí quyển, đầu đạn này sẽ xoắn, nghiêng và lao về phía trước với vận tốc hơn 1 dặm/giây, vô hiệu hóa tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Không những vậy, giới phân tích cho rằng Mát-xcơ-va và Bắc Kinh hiện đang thử nghiệm các loại vũ khí không gian có khả năng "hạ" các vệ tinh quân sự của Mỹ nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Đáp lại, Washington đang triển khai một loạt vệ tinh quan sát không gian nhằm góp phần ngăn chặn và đánh bại các cuộc tấn công không gian của kẻ thù. Nhà Trắng hồi tháng 2 năm nay cũng đã ủng hộ kế hoạch phát triển loại tên lửa hành trình tiên tiến mà khi được thả từ máy bay ném bom, nó có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của đối phương để tấn công các mục tiêu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra ở Thủ đô Washington hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận sự nguy hiểm của việc chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo về khả năng "xuất hiện những hệ thống mới, nguy hiểm và hiệu quả hơn, có thể dẫn đến sự leo thang toàn diện trong chạy đua vũ trang". Còn Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper trong bài phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện xung quanh đánh giá mối đe dọa toàn cầu thường niên cũng nhấn mạnh rằng "Chúng ta có thể rơi vào một vòng xoáy nữa giống như thời Chiến tranh lạnh".

HOÀNG NAM (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết