16/04/2020 - 10:14

Người nghèo Ấn Độ điêu đứng vì COVID-19 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa quyết định gia hạn lệnh phong tỏa trên toàn quốc cho tới ngày 3-5, trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi biện pháp này là những người nghèo liệu có cầm cự nổi?

Một người nghèo tại New Delhi, Ấn Độ được cung cấp bữa ăn miễn phí. Ảnh: EPA

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 14-4, Thủ tướng Modi nhấn mạnh các biện pháp phong tỏa toàn quốc, giãn cách xã hội là bắt buộc với Ấn Độ, cho dù chúng gây ra hệ quả lớn cho xã hội. “Từ góc độ kinh tế, chúng ta đang phải trả giá đắt, nhưng sinh mạng người dân Ấn Độ quan trọng hơn nhiều” - ông Modi nói. Dù vậy, Thủ tướng Ấn Độ cũng cho rằng một số hạn chế ở những khu vực xa "điểm nóng" sẽ được dỡ bỏ vào ngày 20-4 để giúp đỡ những người nghèo vốn sống nhờ vào lương ngày.

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, quốc gia 1,3 tỉ dân đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phong tỏa từ ngày 25-3. Trong giai đoạn này, chỉ những dịch vụ thiết yếu mới được phép hoạt động, chẳng hạn như điện, nước, dịch vụ y tế, chữa cháy, cửa hàng tạp hóa và dịch vụ thị chính. Tất cả cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà máy, văn phòng, chợ và những nơi thờ tự đều phải đóng cửa, trong khi xe buýt và tàu điện ngầm tạm ngừng vận chuyển. Điều tương tự cũng áp dụng đối với hoạt động xây dựng.

Lệnh phong tỏa khắt khe như thế đã gây tổn hại cho Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, và nhất là dân nghèo nước này. Hàng triệu lao động phụ thuộc vào lương ngày bỗng nhiên mất việc làm, khiến hàng trăm ngàn người phải cuốc bộ hàng trăm cây số trong nhiều ngày để trở về quê nhà. Thậm chí có những trường hợp chết trên đường đi, số khác khi về tới làng quê lại bị chính những người dân địa phương xa lánh do tâm lý lo sợ lây bệnh. Một đoạn video lan truyền trên mạng gần đây cho thấy một nhóm người nhập cư bị phun hóa chất vào người. Còn những người kẹt lại trong các thành phố thì phải sống trong những điều kiện chật chội, mất vệ sinh. Đối với họ, lệnh phong tỏa đồng nghĩa phải chịu cảnh đói ngay lập tức. Do vậy, New Delhi đang cung cấp những suất ăn miễn phí cho các đối tượng này.

Thông báo gia hạn lệnh phong tỏa cũng đã dẫn đến tình trạng hàng ngàn lao động nhập cư tập trung tại một nhà ga ở Mumbai, một trong những thành phố bị COVID-19 hoành hành dữ dội nhất ở Ấn Độ, để phản đối và đòi về nhà. Tuần rồi, rất nhiều người nhập cư tại thành phố Surat thuộc bang Gujarat đã xuống đường biểu tình đòi lương và xin phép về nhà.

“Mỗi ngày là một sự khó khăn đối với người nghèo. Những sự việc kể trên có thể xảy ra nhiều hơn, do vậy cần có sự hỗ trợ lớn về mặt tài chính cho người nghèo” - Giáo sư Amit Basole tại Đại học Azim Premji (Ấn Độ) nhận định. Tuy New Delhi hồi tháng rồi đã công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 22,6 tỉ USD nhằm tiếp sức cho người nghèo, song các chuyên gia tin rằng con số đó chưa đủ để giảm bớt những khó khăn về kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những thành tựu to lớn đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ, nhiều khả năng sẽ “tan biến” do tác động của COVID-19. WB cũng dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 1,5-2,8% trong giai đoạn 2020-2021, giảm mạnh so với ước tính cách đây 6 tháng là 6,3%.

Tính đến chiều 15-4, số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới  hơn 11,5 ngàn với khoảng 400 người tử vong.

HẠNH NGUYÊN   (Theo Aljazeera, Straitstimes)

Chia sẻ bài viết