29/09/2018 - 17:57

Đọc “Chẻ đá”

Ngẫm điều nhân văn 

Nhà văn Nhật Hồng (hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ) vừa ra mắt tập truyện ngắn “Chẻ đá”, NXB Hội Nhà văn ấn hành. 23 truyện ngắn gọn gàng, dễ đọc, dễ sẻ chia, nhưng gấp quyển sách lại, điều nhân văn trong từng dòng viết khiến người đọc cứ nghĩ suy…

Nổi bật trong tuyển tập này là truyện ngắn “Chẻ đá”. Đây là tác phẩm từng đoạt giải Ba Cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ IV - năm 2011. Nhà văn Bích Ngân đã nhận xét rằng: “Tác phẩm “Chẻ đá” của Nhật Hồng là bức tượng sinh động. Một chút nắng gió, một chút suy tư cảm hoài đủ để gắn bó số phận, tâm tư tình cảm con người Nam bộ”. Đó là câu chuyện của Lực, chàng trai xứ Cà Mau lên bãi đá Ba Hòn tìm người vợ mới cưới vài ngày đã bỏ đi vì không chịu nổi cảnh nghèo nơi quê chồng. Ở đây, anh học nghề chẻ đá, mấy mươi năm gắn bó với nghề, gá duyên với cô Hai Bánh Ú. Để rồi kết thúc câu chuyện, nhà văn Nhật Hồng mượn câu ca của nhạc Trịnh: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!”. “Tác giả đã thể hiện tốt kết dính được nỗi niềm giữa văn học và đời thường. Truyện ngắn hay!”- nhà văn Bích Ngân viết.

Mỗi truyện ngắn trong “Chẻ đá” mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc: giận vì người phụ nữ tham phú phụ bần, buồn cho số phận của đứa bé côi cút, thương cho cô gái thích hát Bolero… để rồi cuối cùng, người đọc rưng rưng vì điều nghĩa nhân còn lại. Truyện “Chữ xuân trên lá” là một ví dụ. Đó là câu chuyện về cô giáo Quỳnh kiên nhẫn dạy cho đứa bé mồ côi bị thiểu năng biết chữ, viết được tên cha, tên mẹ, tên cô giáo Quỳnh… Để rồi cô giáo Quỳnh ngẫm ra rằng: “Quỳnh đã từng đọc, từng thấy hàng triệu, triệu con chữ nhưng lần này mỗi nét chữ của My là những dấu ấn nghiệt ngã trên phận đời người”.

Một đề tài mà tác giả Nhật Hồng khai thác khá nhiều trong tập truyện là mùa nước nổi ở miền Tây. Ở đó có những lão nông đau đáu khi con nước không về, là nỗi reo vui khi tôm cá ê hề trên đồng nước… Ở tuổi đời ngoài 60, sống trọn với miền Tây sông nước nên tác giả Nhật Hồng có những miêu tả tinh tế, chính xác về cách làm lờ, giăng câu, cách đánh bắt cá trên sông, cách sống thuận tự nhiên của người làm nghề hạ bạc. Chỉ có người lâu năm gắn bó với đồng nước mới cảm nhận như vầy: “Thú vui nhứt của nghề hạ bạc là được hít thở không khí trong lành của trời đất, được ăn cơm giữa lòng trời nước. Còn cảm giác nào sướng hơn khi tay vừa chạm vào dớn, cá run rộn lên rất là êm tay” (“Thương mùa cá linh”).

Những ai từng nghe tiếng hò sông Hậu, điệu hò Cần Thơ, giọng hò Thới Lai (từng được cố nhà văn Sơn Nam nhắc đến trong các công trình biên khảo) hẳn sẽ rất thú vị khi đọc truyện “Đuổi theo câu hát” của Nhật Hồng. Ông tái hiện sinh động buổi hò cấy trên cánh đồng Thới Lai, cuộc hò huê tình, hò chèo ghe trên sông nước Cần Thơ, có cái kể con xô, có những câu hò đã từng là nỗi nhớ niềm thương của biết bao bạn hò: “Hò… hơ… Vĩnh Long, Sa Đéc tỉnh, Long Xuyên tỉnh, Cần Thơ tỉnh, Ô Môn huyện. Hò… hơ… Nhà em lợp lá, cẩn đá hai hàng, hỏi thăm thì biết ở làng Thới Lai…”. Cũng nhờ đuổi theo câu hát, câu hò mà Hai Thân và Lụa đã gá nghĩa trăm năm.

“Chẻ đá” là tập truyện ngắn thứ 5 của nhà văn Nhật Hồng. Văn ông vẫn vậy, mộc mạc, không cầu kỳ trong câu chữ, cốt chỉ khơi gợi để người đọc nghĩ suy, thấu hiểu. Vậy mà truyện ngắn Nhật Hồng có một sức hút nhất định, người đọc chỉ muốn đọc nhanh đến những câu chữ cuối cùng để xem nhân vật ấy ra sao, cái kết đẹp đẽ nào sẽ đến với họ. Bởi cũng như tác giả, người đọc đau đáu đi tìm điều nhân văn giữa xô bồ cuộc sống.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết