08/08/2014 - 10:43

Nga - phương Tây “ăn miếng trả miếng”

Trong động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu tất cả thịt bò, heo, gia cầm; cá, phô-mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Canada và Na Uy trong thời hạn một năm nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mở rộng về kinh tế của EU và Washington.

Tổn thất kinh tế

Dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Nga (VPSS) Alexei Alexeenko, RIA Novosti cho biết lệnh cấm được thực hiện dựa trên sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó cấm hoặc hạn chế nhập khẩu những mặt hàng nông nghiệp từ các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mát-xcơ-va. Tuy không cung cấp đầy đủ danh mục, nhưng ông Alexeenko cho biết lệnh cấm đối với hàng hóa của EU và Mỹ sẽ "khá nhiều", đặc biệt trong đó là sản phẩm gia cầm của Mỹ. Hiện EU chưa lên tiếng trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng quyết định của ông Putin về lâu dài có thể tổn hại nền kinh tế Nga và đời sống người dân.

Một lượng lớn rau quả tiêu thụ ở Nga được nhập từ EU. Ảnh: AP

Theo Reuters, biện pháp trả đũa của Điện Kremlin sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người Nga sống dựa vào mặt hàng nhập khẩu giá rẻ cũng như nông dân phương Tây, bởi Mát-xcơ-va hiện là khách hàng nhập khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của châu Âu và là thị trường tiêu thụ gia cầm lớn thứ hai của Mỹ. Được biết ngoài lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 6-8 còn nói rằng nước này đang xem xét khả năng giới hạn các chuyến bay của châu Âu sang châu Á ngang qua vùng Siberia. Nếu thực thi, động thái này sẽ khiến chi phí tăng cao do các hãng châu Âu buộc phải bay vòng và như vậy tốn nhiên liệu nhiều hơn.

Căng thẳng quân sự

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 6-8 cho biết hiện có khoảng 20.000 binh sĩ Nga đang tập trung dọc theo biên giới Ukraina. Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức NATO cho biết lực lượng quân sự của Nga đồn trú ở biên giới bao gồm máy bay, xe tăng, bộ binh, pháo binh, hệ thống phòng không, lực lượng đặc biệt...

Tình hình này làm dấy lên quan ngại rằng Mát-xcơ-va có thể sử dụng "lý do sứ mệnh can thiệp nhân đạo, gìn giữ hòa bình như một cái cớ để đưa quân vào miền Đông Ukraina" - phát ngôn viên NATO Oana Lungescu nói trong một tuyên bố. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã bác bỏ cáo buộc của NATO khi nói rằng Mát-xcơ-va "đã nghe về điều này trong 3 tháng nay" và những tuyên bố trên đều "được tạo dựng và hoàn toàn không có thật".

Trong diễn biến có liên quan, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen sẽ bắt đầu chuyến thăm Ukraina vào hôm nay theo lời mời của Tổng thống Petro Poroshenko. Theo AFP, chủ đề chính của chương trình nghị sự là quan hệ đối tác giữa NATO-Ukraina. Trong cuộc phỏng vấn trước đó, ông Rasmussen nhấn mạnh rằng NATO sẽ xây dựng kế hoạch quốc phòng mới trước khả năng "tấn công của Nga".

Hiện tại, chiến sự vẫn tiếp diễn ở Ukraina với các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy ở 2 thành phố miền Đông Luhansk và Donetsk. Theo tờ France 24, quân đội Ukraina hiện đã bao quanh Donetsk và bắt đầu không kích một số vùng ngoại ô. Theo đó, tình hình cuộc chiến có thể ác liệt hơn nếu lực lượng chính phủ tiến vào trung tâm thành phố. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 6-8, Tổng thống Nga nhấn mạnh Ukraina phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về căng thẳng leo thang hiện nay, bởi những hoạt động quân sự tiếp diễn của chính quyền Kiev tại vùng Đông Nam Ukraina chỉ làm thiệt mạng thêm dân thường và trầm trọng hơn các vấn đề nhân đạo.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết