02/12/2022 - 08:27

NATO cảnh giác với Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo Guardian, FT)

Bất an trong giới lãnh đạo phương Tây về sự nổi lên của Trung Quốc ngày càng gia tăng, đặc biệt sau những diễn biến liên quan cuộc tuần tra chung trên không mới giữa nước này và Nga ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) và Tổng Thư ký NATO Stoltenberg. Ảnh: NATO

Ngày 29-11, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tiến hành nhóm họp trong 2 ngày tại thủ đô Bucharest, Romania. Chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề viện trợ cho Ukraine, cũng như đối với các nước Bosnia-Herzegovina, Georgia và Moldova bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ðông Âu. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các đồng minh còn xem xét biện pháp giải quyết những thách thức mới, bao gồm do Trung Quốc đặt ra; từ đó đảm bảo khả năng thích nghi và phục hồi của liên minh trong tương lai.

Phát biểu bên lề hội nghị ngày 30-11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh không coi Trung Quốc là đối thủ và khối sẽ tiếp tục tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh vì lợi ích chung, đặc biệt để truyền đạt quan điểm thống nhất của các thành viên về “cuộc chiến bất hợp pháp” Nga tiến hành ở Ukraine. Nhưng điều này không có nghĩa họ bỏ qua các bước phát triển quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc - ông Stoltenberg nói rõ.

Nói thêm về vấn đề trên, Ngoại trưởng Blinken cho biết các đồng minh NATO lo ngại việc Trung Quốc tăng tốc mở rộng lực lượng quân sự nhưng lại không minh bạch về quá trình này. Mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh với Nga cũng được đặt lên bàn, sau thông tin hai nước đưa máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân vào không phận Hàn Quốc.

Trước đó, Hãng Reuters đưa tin nhóm máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-95MS và Xian H-6K của không quân Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Ðông. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hoạt động trên nằm trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác quân sự năm 2022. Thông báo cũng khẳng định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, máy bay hai nước tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế và không vi phạm không phận nước khác. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc ngày 30-11 đã điều các tiêm kích đối phó sau khi cho rằng 2 máy bay quân sự của Trung Quốc và 6 máy bay quân sự của Nga xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) nước này. Nhật Bản cũng có động thái tương tự, sau tình huống 2 máy bay ném bom của Trung Quốc và 2 máy bay khác nghi của Nga bay qua vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Khối chống Trung Quốc?

Trước ngày họp thứ 2, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo NATO không nên biến thành một “khối chống Trung Quốc” khi tình hình an ninh toàn cầu vốn đã căng thẳng. Ðáp lại, Ngoại trưởng Blinken khẳng định NATO không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, không tìm cách chia rẽ nền kinh tế và đặc biệt không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Ông nói rõ liên minh vẫn cam kết đối thoại mang tính xây dựng với Bắc Kinh bất cứ khi nào có thể, hoan nghênh các cơ hội làm việc cùng nhau giải quyết những thách thức chung. Song, liên minh cần giữ sự sáng suốt trước những rủi ro từ Trung Quốc. “Ðây không phải là việc đưa NATO đến châu Á hay hành động “ngoài khu vực”. Ðây là tình huống về thách thức Trung Quốc đặt ra đối với các quốc gia thành viên NATO” - đại diện ngoại giao Mỹ khẳng định.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của liên minh, NATO hồi tháng 9 đã tổ chức cuộc thảo luận riêng đầu tiên về Ðài Loan, để chia sẻ thông tin tình báo về hành động của Trung Quốc và tranh luận những kịch bản mà một cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn đối với hòn đảo này sẽ ảnh hưởng đến an ninh châu Âu - Ðại Tây Dương. Bên cạnh các cuộc đối thoại về Trung Quốc diễn ra bên trong NATO, Liên minh châu Âu (EU) gần đây cũng đang đánh giá lại thái độ đối với Bắc Kinh khi thừa nhận rằng quan hệ kinh tế có thể khiến họ dễ bị Trung Quốc ép buộc. “Chúng ta cần bảo vệ an ninh của mình. Ðiều quan trọng là phải có sự can dự mạnh mẽ hơn ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương” - theo Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani.

Chia sẻ bài viết