22/06/2021 - 08:56

Nấm đen hoành hành giữa đại dịch tại Ấn Độ 

Trong khu điều trị ngột ngạt, chật chội tại Bệnh viện Ahmedabad (bang Gujarat), Tiến sĩ Bela Prajapati, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng di chuyển nhanh từ giường này sang giường khác, chiếu đèn pin vào miệng một bệnh nhân, rồi kiểm tra phim chụp X-quang của người khác.

Bệnh nhân nấm đen điều trị tại Bệnh viện Ahmedabad. Ảnh: NYT

Bệnh nhân nấm đen điều trị tại Bệnh viện Ahmedabad. Ảnh: NYT

Theo Thời báo New York (Mỹ), Tiến sĩ Prajapati đảm trách việc giám sát điều trị cho gần 400 bệnh nhân mắc nấm đen, một bệnh hiếm gặp gây chết người đang bùng phát trên khắp Ấn Độ, giữa lúc làn sóng đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Được biết, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nấm đen là những bệnh nhân đang điều trị hoặc vừa khỏi COVID-19, vốn có hệ miễn dịch suy giảm. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 30.000 trường hợp mắc nấm đen, trong đó gồm 2.100 ca tử vong.

Những triệu chứng ban đầu của bệnh nấm đen thường là sưng mặt, nhức đầu, nghẹt mũi và những tổn thương màu đen trên mặt. Loại nấm gây chết người này tấn công đường tiêu hóa, phổi, da và xoang, chúng thường lan đến hốc mắt và não nếu không được điều trị. Việc bệnh nhân sống hay chết phụ thuộc vào tốc độ phẫu thuật khử trùng loại bỏ nấm, sau đó được điều trị bằng thuốc kháng sinh chống nấm amphotericin B, vốn được cung cấp miễn phí tại một số bệnh viện công nhưng vì nguồn cung hạn chế, Ấn Độ đang nhập khẩu từ Mỹ với giá khoảng 300 USD/lọ. Trong khi đó, mỗi bệnh nhân cần từ 60-100 lọ. Để giảm chi phí, các bác sĩ sử dụng các loại thuốc rẻ hơn có hiệu quả tương tự nhưng lại độc hại hơn, có nguy cơ gây hại cho thận.

NYT cho hay, nấm đen không truyền từ người sang người. Nó phát triển từ các bào tử tích tụ trong nhà hoặc bệnh viện. Giới bác sĩ tin rằng các bệnh viện đông đúc ở Ấn Độ cùng với tình trạng thiếu ôxy y tế nghiêm trọng của nước này chính là nguyên nhân khiến bệnh dịch bùng phát.  Do thiếu ôxy, các bác sĩ đã tiêm steroid cho bệnh nhân COVID-19, làm giảm viêm phổi và giúp bệnh nhân dễ thở hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Arunaloke Chakrabarti, nhà sinh vật học và đồng tác giả của nghiên cứu xem xét nguyên nhân bùng phát nấm đen tại Ấn Độ cho biết, nhiều bác sĩ nước này đã sử dụng lượng steroid vượt xa khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ đó làm tổn thương hệ miễn dịch của bệnh nhân, khiến các bệnh nhân COVID-19 dễ bị nhiễm các bào tử nấm đen hơn. Steroid cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến những bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm nấm đen, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, dẫn đến hoại tử ở mô, tạo cơ hội cho nấm đen tấn công. Đáng lo ngại khi nhiều bác sĩ không hỏi bệnh nhân có bị tiểu đường hay các bệnh lý khác trước khi sử dụng steroid. “Bác bác sĩ hầu như không có thời gian để thăm hỏi bệnh nhân. Họ chỉ quan tâm điều trị đường hô hấp mà thôi” - Tiến sĩ Chakrabarti cho biết.

Nghiên cứu do nhóm Tiến sĩ Chakrabarti thực hiện, được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ công bố hồi tháng này, cảnh báo việc sử dụng quá liều steroid cùng với bệnh tiểu đường và tình trạng mất vệ sinh tại một số bệnh viện đã khiến cho nấm đen bùng phát tại Ấn Độ. Tiến sĩ Atul Patel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sterling, đồng tác giả nghiên cứu, nói rằng steroid thậm chí còn được dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ vốn không cần sử dụng thuốc này.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Ấn Độ ghi nhận khoảng 50 trường hợp nhiễm nấm đen mỗi năm, so với mức trung bình chỉ một ca/2 năm ở Mỹ và Tây Âu. Thông thường tại Ấn Độ, những người bị nấm đen ảnh hưởng là bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân ung thư hoặc người từng cấy ghép bộ phận cơ thể. Song, trong đợt bùng phát nấm đen hiện nay, nhiều bệnh nhân không có tiền sử bệnh tiểu đường. Các bác sĩ lâm sàng và các chuyên gia cho biết điểm chung của các ca mắc nấm đen là các trường hợp nhiễm COVID-19 được điều trị bằng steroid.

Phát hiện biến thể “Delta plus”

Theo hãng tin Sputnik, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới của  SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và giáo dục y khoa, Tiến sĩ TP Lahan cho biết chủng Delta plus được phát hiện ở Navi Mumbai, Palgar và Ratnagiri, trong đó 2/5 trường hợp nhiễm chủng này tại thành phố Ratnagiri không có bất kỳ triệu chứng nào. Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể Delta plus có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.

Theo thông báo của Chính phủ Ấn Độ, ngày 21-6, nước này ghi nhận thêm 53.256 ca nhiễm mới và 1.422 ca tử vong do COVID-19. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 386.000 người Ấn Độ, mà phân nửa trong số đó được ghi nhận chỉ trong vòng 2 tháng qua.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết