30/08/2019 - 10:48

Mỹ tăng tốc “săn” tàu ngầm Trung Quốc 

Trước cảnh báo Hải quân Trung Quốc có thể thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh khu vực và đe dọa trật tự toàn cầu, Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh sản xuất và triển khai tàu ngầm tấn công, máy bay không người lái (UAV) và “sát thủ săn ngầm” Poseidon như công cụ răn đe hạm đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) mà Bắc Kinh đang phát triển.

Ảnh:Nationalinterest

Ảnh:Nationalinterest

Áp lực từ Trung Quốc

Trong nỗ lực tăng cường vị thế chiến lược, Hải quân Trung Quốc không ngừng mở rộng phạm vi ngoài Thái Bình Dương. Bắc Kinh thậm chí thách thức vị thế quân sự của Mỹ khi đạt được bước tiến lớn trong phát triển tên lửa đạn đạo thế hệ mới phóng từ tàu ngầm (SLBM). Hồi giữa tháng 8, các nhà khoa học Úc nhận định kho tên lửa tầm xa có độ chính xác ngày càng tăng của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa cho gần như tất cả cơ sở quân sự Mỹ, đồng minh cùng các đối tác ở Tây Thái Bình Dương. Nếu xung đột nổ ra, tên lửa đạn đạo công nghệ cao của Trung Quốc có thể làm tê liệt căn cứ và hạm đội Hải quân Mỹ “chỉ trong vài giờ”.

Kịch bản này từng được cựu Giám đốc phụ trách hoạt động thông tin và tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ James Fanell đưa ra năm 2018. Quốc hội Mỹ được cảnh báo về sự cần thiết phải theo dõi và ngăn chặn nguy cơ tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đe dọa lợi ích quốc gia. Theo Trung tâm Tình báo Không gian và Hàng không Quốc gia Mỹ, Bắc Kinh năm 2017 đã triển khai 48 ống phóng tên lửa JL-2 trên các tàu ngầm. JL-2 có tầm bắn hơn 7.000km, đặt nhiều vùng lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm.

Chiến lược của Mỹ

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, tên lửa hạt nhân chiến lược cùng máy bay chiến đấu hiện đại sẽ có màn trình diễn chủ đạo trong lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc ngày 1-10 tới. Đây có thể là “thông điệp cảnh báo” tới Washington trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Trước áp lực từ hoạt động ngày càng gia tăng của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, Hải quân Mỹ đang làm việc với Quốc hội về kế hoạch đóng thêm 3 tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm. Lực lượng này còn triển khai UAV trinh sát Triton mới ở đảo Guam và ký hợp đồng trị giá 2,4 tỉ USD với Boeing để sản xuất thêm 19 chiếc P-8 Poseidon (ảnh). Đây là loại máy bay trinh sát săn ngầm mới nhất trong biên chế Hải quân Mỹ, thay cho P-3 Orion.

Theo các nhà sản xuất, P-8 Poseidon có thể thực hiện nhiệm vụ kéo dài 10 tiếng ở phạm vi 1.200 hải lý và độ cao lớn, nơi bầu khí quyển mỏng giúp tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hóa hoạt động của hệ thống cảm biến. Trang bị tên lửa diệt hạm Harpoon, ngư lôi Mark 54 cùng hàng trăm phao thủy âm, P-8 Poseidon không chỉ tìm kiếm, theo dõi tàu ngầm đối phương ở nhiều độ sâu khác nhau mà còn có khả năng tấn công và tiêu diệt chúng. Đặc biệt, máy bay trang bị cảm biến xác định khí xả động cơ và hơi dầu của tàu ngầm diesel - điện, loại tàu ngầm có độ ồn rất thấp và khó bị phát hiện. “Sát thủ săn ngầm” của Mỹ từng được triển khai tuần tra các thực thể nhân tạo Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông.

Giải pháp khôn ngoan

Trong một bài luận, Đại tá Fanell cho rằng lựa chọn thông minh để ngăn chặn SLBM của Trung Quốc là gia tăng răn đe đối với SSBN. “Sát thủ” Poseidon được đánh giá là lựa chọn tối ưu cho nhiệm vụ săn lùng, ngăn chặn SSBN Trung Quốc rời khỏi khu vực giám sát mà không bị phát hiện.

Ngoài ra, Poseidon còn tăng cường vị thế răn đe hạt nhân của Mỹ khi ứng dụng phương thức tiên tiến tìm kiếm và tiêu diệt SSBN của đối phương từ trên không. Trong đó, máy bay có thể liên kết các phương tiện tác chiến của bộ ba hạt nhân Mỹ, gồm máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tên lửa đạn đạo liên lục địa và tàu ngầm hạt nhân (oanh tạc cơ B-2 và B-52 vốn không thể theo dõi hoặc tiêu diệt tàu ngầm). Điều này phù hợp với cách tiếp cận “sức mạnh tấn công có thể là cách phòng thủ tốt nhất” trong chiến lược răn đe hạt nhân của Lầu Năm Góc.

Poseidon được biên chế cho Hải quân Mỹ hồi năm 2013, hiện có khoảng 50 chiếc đã đi vào hoạt động trong tổng số 177 máy bay được đặt hàng. Sự xuất hiện của phiên bản mới P-8A được cho là rất đúng thời điểm khi Washington đang đối mặt những loại tàu ngầm có khả năng tàng hình cao của Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên.

MAI QUYÊN (Theo Nationalinterest)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
MỹTrung Quốc