Tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 13-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là “người bạn tuyệt vời”, dù vẫn cảnh báo New Delhi có thể sẽ không tránh khỏi mức thuế quan Washington đang bắt đầu áp đặt đối với các đối tác thương mại trên toàn thế giới.
![Mỹ sẵn sàng bán chiến đấu cơ F-35 cho Ấn Ðộ?](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250214/images/T15-a1.webp)
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Ðộ Modi tại cuộc gặp ở Phòng Bầu dục hôm 13-2. Ảnh: Nytimes
Theo hãng tin AP, Tổng thống Trump gọi các mức thuế nhập khẩu do Ấn Độ áp đặt là “rất bất công và mạnh mẽ”. “Bất kỳ mức thuế nào mà Ấn Độ tính, chúng tôi sẽ đều tính. Vì vậy, thành thật mà nói chúng tôi không còn quan tâm nhiều đến mức thuế mà họ tính nữa” - ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo. Theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ nỗ lực xóa bỏ thâm hụt thương mại với Ấn Độ bằng cách tăng cường xuất khẩu năng lượng sang quốc gia Nam Á này.
Ông Trump nhấn mạnh, mục tiêu của cả 2 nước là đạt được thỏa thuận về cách giải quyết “những bất bình đẳng lâu dài” trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Ấn, bởi Washington có quyền được hưởng “một sân chơi bình đẳng nhất định”. Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Ấn Độ và Mỹ đạt khoảng 190 tỉ USD vào năm 2023, trong đó Ấn Độ thặng dư 50 tỉ USD.
Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa còn cho biết Washington và New Delhi đang nỗ lực xây dựng “tuyến đường thương mại lớn nhất lịch sử”, bắt đầu từ Ấn Độ, chạy qua Israel đến Ý rồi hướng tới Mỹ. Tuyến đường này sẽ kết nối đường bộ, đường sắt và cả cáp ngầm.
Về phần mình, Thủ tướng Modi cho hay cả 2 nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên mức 500 tỉ USD vào năm 2030. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á còn cho biết sẽ quyết tâm “Đưa Ấn Độ vĩ đại trở lại”, giống như những gì mà ông Trump đang làm là “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Trong nhiều thập kỷ qua, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Ðộ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Các máy bay chiến đấu của Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong lực lượng quân đội của Ấn Ðộ. Tuy nhiên, cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua tại Ukraine đã khiến khả năng xuất khẩu vũ khí của Mát-xcơ-va trong những năm gần đây suy yếu, buộc New Delhi phải tìm đến các đối tác phương Tây.
|
Hai nhà lãnh đạo cũng đã dành những lời “có cánh” cho nhau, qua đó nhất trí tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như bắt đầu chương trình sản xuất chung các công nghệ như trí tuệ nhân tạo hay năng lượng hạt nhân. Ông Trump và ông Modi còn đồng ý đàm phán để giải quyết những bất đồng về thương mại. “Một điều mà tôi vô cùng trân trọng và tôi học được từ Tổng thống Trump là ông ấy luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Giống như ông ấy, tôi cũng đặt lợi ích quốc gia của Ấn Độ lên hàng đầu” - ông Modi khẳng định.
Đáng chú ý, ông Trump tuyên bố sẽ sớm cung cấp chiến đấu cơ F-35 cho Ấn Độ. “Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi sẽ tăng doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ lên nhiều tỉ USD. Chúng tôi cũng đang mở đường để cuối cùng có thể cung cấp cho Ấn Độ chiến đấu cơ tàng hình F-35” - ông Trump nhấn mạnh. Theo Reuters, ông Trump không cung cấp khung thời gian cụ thể nhưng các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài thường mất nhiều năm để tiến hành, đặc biệt đối với dòng tiêm kích hiện đại như F-35.
Từ năm 2008, Ấn Độ đã mua hơn 20 tỉ USD sản phẩm quốc phòng của Mỹ. Năm ngoái, Ấn Độ đồng ý mua 31 máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian và SkyGuardian của Mỹ sau hơn 6 năm đàm phán. Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, New Delhi dự kiến chi hơn 200 tỉ USD trong thập kỷ tới để hiện đại hóa quân đội. Dù vậy, rất có ít nước được Mỹ đồng ý bán chiến đấu cơ F-35 vì lo ngại nó sẽ bị các đối thủ đánh cắp công nghệ. Ấn Độ cũng được cho khó mua F-35 vì nước này đã quyết định mua hệ thống tên lửa S400 của Nga từ năm 2018.