28/12/2018 - 20:33

Mỹ rút quân, Nga mở rộng ảnh hưởng ở Syria 

Lo ngại trước việc Mỹ rút quân khỏi Syria, giới lãnh đạo người Kurd hiện kiểm soát phần lớn phía Bắc Syria đang "khẩn cầu" Nga và chính quyền Damascus triển khai lực lượng để bảo vệ vùng biên giới này trước cuộc tấn công tiềm tàng của Thổ Nhĩ Kỳ.

 Các chiến binh YPG tại thành phố Raqqa. Ảnh: Reuters

Mặc dù binh sĩ Mỹ hiện vẫn còn ở Syria và kế hoạch rút quân sẽ diễn ra chậm, nhưng các lãnh đạo người Kurd đã phải tất bật tìm kiếm một chiến lược để đối phó Ankara trước khi Washington rút chân hoàn toàn khỏi quốc gia Trung Đông, dự kiến vào tháng 3 hoặc 4-2019. Trong đó, đàm phán với chính quyền Syria và Mát-xcơ-va được cho là nhiệm vụ trọng tâm đối với các lãnh đạo người Kurd. Chính khách hàng đầu của người Kurd Aldar Xelil khẳng định họ sẽ trở lại xứ bạch dương một lần nữa (sau chuyến thăm Mát-xcơ-va hồi tuần rồi), với mục đích nhờ Nga tác động để Damascus "thực thi trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ". Phía người Kurd muốn Nga đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự ổn định.

Thật ra, nỗi sợ lớn nhất của giới lãnh đạo người Kurd là Thổ Nhĩ Kỳ tái diễn cuộc tấn công từng đẩy người Kurd và các chiến binh thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ra khỏi thành phố Afrin ở Tây Bắc Syria hồi đầu năm nay. Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) là đối tác Syria chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng YPG - lực lượng nòng cốt của SDF - lâu nay bị Ankara coi là mối đe dọa và cần phải "giải quyết".

Nỗi sợ của người Kurd càng tăng cao khi hôm 25-12, một nhánh của nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự chống YPG ở Syria. Khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Casvoglu cũng khẳng định quân đội nước này quyết tâm mở chiến dịch quân sự vượt qua bờ Đông sông Euphrates thuộc miền Bắc Syria, sớm nhất có thể. Vị này nhấn mạnh Ankara không bao giờ chấp nhận YPG hiện diện ở khu vực miền Đông Syria ngay cả khi xảy ra tranh cãi với quốc gia láng giềng.

Không chỉ tìm kiếm sự trợ giúp của Mát-xcơ-va và Damascus, giới lãnh đạo người Kurd cũng ra sức thuyết phục các quốc gia phương Tây khác lấp vào chỗ trống mà Mỹ để lại bởi sự hiện diện của khoảng 2.000 binh sĩ xứ cờ hoa ở phía Bắc và Đông Syria lâu nay có tác dụng răn đe Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Ankara cũng muốn thương lượng với Mát-xcơ-va để có thể đưa lực lượng của mình vào miền Bắc Syria nhằm "dọn sạch" YPG ngay sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân. Dự kiến hôm nay 29-12, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar, Ngoại trưởng Cavusoglu, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hakan Fidan và Cố vấn Tổng thống Ibrahim Kalin bay sang Mát-xcơ-va để thảo luận với những người cấp nước chủ nhà. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người tương nhiệm Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ hội đàm sau đó để chốt vấn đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ đi nước cờ trên trong bối cảnh Nga đề nghị khi không còn lính Mỹ ở Syria, thì quyền kiểm soát miền Bắc Syria nên trả về cho chính quyền Tổng thống Bashar al- Assad. Ankara tìm đến Mát-xcơ-va bởi khi Mỹ rút chân, không phận phía Bắc Syria sẽ được kiểm soát bởi Không lực Nga vốn đóng quân ở phía Tây Bắc quốc gia nội chiến này. Hơn nữa, trong cuộc điện đàm hồi trung tuần tháng này, ông Erdogan cam kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng quét sạch tàn dư IS ở Deir ez-Zor. Song để đến được đây, họ sẽ phải vượt qua những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Syria. Do vậy, dấu hỏi rất lớn ở đây là chính quyền của Tổng thống Assad liệu sẽ cho phép xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những phần tử nổi dậy FSA tiến sâu vào đất nước của ông?

THANH BÌNH (Theo Reuters, Al-Monitor)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
MỹNgaSyria