06/05/2021 - 08:25

Mỹ muốn dùng tàu ngầm Nhật “chặn” Trung Quốc 

Mỹ có thể cần đến sự tiếp sức của các đồng minh khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, trong chiến lược “răn đe tích hợp” nhắm vào hải quân Trung Quốc.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có năng lực săn ngầm tốt nhất khu vực.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có năng lực săn ngầm tốt nhất khu vực.

Với tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp sánh ngang với Mỹ, Trung Quốc từ năm 2015 đã khởi động nhiều dự án quy mô hướng tới mục tiêu vươn ra biển lớn. Hiện nước này sở hữu lực lượng hải quân đông nhất thế giới và tiếp tục tăng cường sức mạnh trên biển khi đưa đồng loạt 3 tàu chiến mới vào hoạt động hồi tháng 4.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa thể khắc phục một số điểm yếu quan trọng, bao gồm trở ngại về mặt địa lý. Cụ thể khi xem nhanh trên Google Earth, có thể thấy bờ biển Trung Quốc được bao quanh bởi vùng nông màu xanh nhạt, trái ngược vùng nước sâu màu xanh đậm đổ ra từ bờ biển phía Ðông của Ðài Loan hay Nhật Bản. Ngay những căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, mỗi nơi đều có một vài khu vực nước nông phải đi qua để đến vùng nước sâu. So với tàu ngầm Nhật Bản và Ðài Loan đi thẳng vào vùng biển sâu nên khó phát hiện, hạm đội Trung Quốc muốn ra biển khơi còn phải di chuyển qua các điểm nghẽn và eo biển trong chuỗi đảo Nansei trải dài theo hướng Tây Nam từ đảo Kyushu của Nhật Bản đến phía Bắc Ðài Loan.

Với điểm yếu này, cựu quân nhân Mỹ Tom Shugart cho biết tàu ngầm Trung Quốc khó tránh việc bị phát hiện và bị đánh chặn trong trường hợp nổ ra xung đột. Về phần Mỹ, các tàu ngầm hạt nhân nước này đang sử dụng thích hợp hoạt động tấn công trên vùng biển lớn hơn thay vì nhiệm vụ phòng thủ ở các khu vực “nút cổ chai”. Tuy nhiên, vai trò này lại khá phù hợp với những đồng minh như Úc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc khi các quốc gia này sở hữu hạm đội tàu ngầm sử dụng động cơ đẩy kiểu diesel - điện vốn chạy êm, yên tĩnh hơn tàu ngầm hạt nhân. “Ðó có thể là kiểu hợp tác mà Washington và các đồng minh đang hướng tới nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đối phó năng lực quân sự ngày càng tiên tiến của Trung Quốc” - sĩ quan tác chiến tàu ngầm kỳ cựu Shugart cho biết.

Tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đưa ra khái niệm mới về khả năng “răn đe tích hợp”, trong đó kêu gọi các đồng minh chung tay sẵn sàng cho một cuộc chiến “rất khác biệt” trong tương lai. Wallace Gregson, cựu Tư lệnh Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, chỉ ra từ “tích hợp” mà lãnh đạo Lầu Năm Góc sử dụng phản ánh quan điểm mạnh mẽ hơn của Washington so với thuật ngữ “tương tác” như trước nay. Nó thể hiện cách tiếp cận trên toàn bộ quyền lực quốc gia, bên cạnh mục tiêu siết chặt quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng rồi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Ðài Loan. Ðộng thái này gây chú ý bởi đây là lần đầu tiên vùng lãnh thổ trên được nhắc tới trong tuyên bố của lãnh đạo Mỹ - Nhật kể từ năm 1969, gợi lên dự đoán về phương thức mà hai bên có thể làm việc cùng nhau nếu hòa bình bị phá vỡ. Về điểm này, nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung tại Trung tâm nghiên cứu RAND Corp cho biết phát huy vai trò chốt bảo vệ các “điểm nghẽn” chính là cơ hội để Tokyo có thêm đóng góp quan trọng trong liên minh với Mỹ.

Với năng lực săn ngầm tốt nhất khu vực (chỉ sau Mỹ), ông Hornung cho biết Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hoàn toàn chế ngự được các “điểm nghẽn” và buộc Trung Quốc hoặc hướng về Ðài Loan hoặc trực tiếp chiến đấu ở Biển Hoa Ðông. Kịch bản này là điều kiện thuận lợi để Mỹ và đồng minh lên kế hoạch và tập hợp đủ nguồn lực kiểm soát tốt trận địa nếu xung đột bùng phát. Nhưng để đạt được khả năng răn đe tích hợp, ông Gregson cho rằng Mỹ - Nhật cần tham vấn chặt chẽ hơn nữa để xây dựng quan điểm chung, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và chiến đấu trên cùng một mặt trận.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei Asian Review)

Chia sẻ bài viết