02/06/2020 - 06:18

Mỹ bất ổn, thế giới lo ngại 

Thế giới đang cảnh giác với tình trạng bất ổn tại Mỹ khi làn sóng biểu tình sắc tộc khởi nguồn từ bang Minnesota bắt đầu lan rộng ra một số quốc gia đồng minh của Washington.

Người dân thủ đô Luân Đôn xuống đường để ủng hộ biểu tình tại Mỹ.

Biểu tình, bạo động liên quan cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vì hành động vũ lực quá mức của cảnh sát da trắng đã nổ ra trên ít nhất 30 thành phố Mỹ. Khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tới thủ đô Washington và 15 tiểu bang, trong khi 2.000 quân dự bị trong tình trạng sẵn sàng. Đặc biệt vào đêm 29-5, người biểu tình quá khích sau khi đụng độ bên ngoài đã tràn vào Nhà Trắng, buộc mật vụ phải đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump xuống hầm trú ẩn.

Trong khi bất ổn và bạo lực ở Mỹ tiếp diễn căng thẳng, thủ đô Luân Đôn (Anh) cũng chứng kiến hàng trăm người bất chấp quy tắc giãn cách xã hội, tụ tập tại Quảng trường Trafalgar và bên ngoài đại sứ quán Mỹ để ủng hộ người biểu tình bên kia Đại Tây Dương. Đám đông hô vang khẩu hiệu “không có công lý, không có hòa bình” để phản đối thiên vị sắc tộc trong hệ thống tư pháp hình sự. Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab mô tả cái chết của Floyd là “nỗi đau đớn” nhưng ông hy vọng căng thẳng sẽ hạ nhiệt, nước Mỹ lại đoàn kết và không chia rẽ vì điều này.

Nhân tình hình bạo động ở Mỹ, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, đã giễu cợt giới chức Mỹ có thể “trải nghiệm” áp lực từ người biểu tình khi Washington từng lên án Bắc Kinh trấn áp phong trào phản đối ở Hong Kong. Người này còn châm chọc rằng Trung Quốc liệu có nên ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ như Washington đã ủng hộ người dân Hong Kong hay không. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng đăng lên Twitter thông điệp “Tôi không thở được” - lời ông Floyd thốt ra khi bị cảnh sát dùng đầu gối đè cổ khống chế trong 9 phút, kèm theo ảnh chụp màn hình lời chỉ trích của đồng nghiệp Morgan Ortagus thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách của Trung Quốc liên quan Hong Kong.

Hôm 31-5, người biểu tình ở thủ đô Berlin cũng trải qua ngày thứ hai đòi công lý cho cái chết của George Floyd trong bối cảnh Đức vừa nới lỏng giãn cách xã hội. Truyền thông địa phương dẫn báo cáo của cảnh sát cho biết khoảng 1.500 người đã xuống đường, mang theo biểu ngữ như “Bất công ở bất cứ đâu đều là mối đe dọa cho công lý ở mọi nơi” hay “Da màu không phải là một tội ác”. Trước đó, khoảng 2.200 người đã diễu hành đến trước đại sứ quán Mỹ trong một cuộc biểu tình ôn hòa. Hoạt động tương tự cũng diễn ra tại Đan Mạch khi người biểu tình kêu gọi “ngưng sát hại người da màu”. Cùng đoàn kết với người biểu tình Mỹ, hàng ngàn người đã tập trung tại Toronto (Canada) để tố cáo phân biệt chủng tộc.

Theo cây bút Massimo Gaggi của tờ báo Ý Corriere della Sera, “cái chết của George Floyd” hoàn toàn khác so với những vụ bạo lực của cảnh sát chống lại người Mỹ gốc Phi trước đây. Sự kiện này không chỉ chia rẽ nước Mỹ mà hiện gây bất đồng trong đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump về biện pháp trấn an quốc gia giữa lúc đất nước đang vật lộn cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe. Theo Politico, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đang kêu gọi Tổng thống có bài phát biểu trước toàn dân nhằm tái khẳng định sự ủng hộ đối với luật pháp và người thực thi pháp luật. Trái lại, những người khác đồng quan điểm với con rể của ông Trump, Jared Kushner, cho rằng động thái như vậy có thể “chọc giận” các cử tri bao gồm cộng đồng người Mỹ gốc Phi đang ủng hộ chính quyền. Điều này không mang lại lợi ích chính trị nào trước cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11.

Kết quả thăm dò của Washington Post-ABC News cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden đồng thời là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đã tạo ra cách biệt lên tới hai chữ số (53% cử tri ủng hộ) so với Tổng thống Trump (43%). Hôm 31-5, ông Biden cũng có chuyến thăm đến địa điểm biểu tình ở Wilmington. Đồng cảm với đám đông, chính trị gia 78 tuổi thừa nhận “nỗi đau và sự giận dữ” do nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời cam kết sẽ chủ trì đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân nếu được bầu làm tổng thống. Hành động của ông Biden trái ngược với Tổng thống Trump trước đó. Người đứng đầu Nhà Trắng đã hứng chỉ trích với hàng loạt dòng tweet đổ lỗi cho cả hai phía, đe dọa can thiệp bằng quân đội, thậm chí cổ súy người ủng hộ ông xuống đường phản đối biểu tình.

MAI QUYÊN (Theo AP, CNN)

Chia sẻ bài viết