20/04/2021 - 09:13

Mỹ bất an trước kịch bản Nga - Trung liên minh 

Viễn cảnh Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác làm suy yếu ảnh hưởng của Washington có thể là phép thử quan trọng nhất đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn đang nỗ lực tập hợp đồng minh để đối phó Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images

Tuần rồi, Ngoại trưởng các nước G7 buộc phải lên tiếng trước báo cáo về việc Nga di chuyển binh sĩ và khí tài quy mô lớn gần biên giới Ukraine, có nơi chỉ cách đường biên khoảng 10km. Cùng thời điểm, Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Ðài Loan và tiến hành tập trận ở vùng biển phía Ðông hòn đảo này. Một nhóm nghiên cứu quân sự cảnh báo mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra trên eo biển Ðài Loan hiện ở mức cao nhất kể từ năm 1996.

Việc Nga, Trung Quốc đồng loạt leo thang các hoạt động quân sự riêng rẽ nhắm vào trung tâm lợi ích của Mỹ trong khu vực lập tức thu hút sự quan tâm. Tuy khả năng bùng phát xung đột quân sự rất thấp, nhưng quy mô và cường độ của những động thái nói trên là điều không chỉ Mỹ mà các đồng minh phải hết sức lưu ý, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns cảnh báo trong phiên điều trần mới đây.

Hiện các quan chức ở Washington không loại trừ khả năng Nga - Trung Quốc chia sẻ thông tin tình báo. Theo đánh giá của giới phân tích, mối đe dọa từ hai quốc gia đối thủ là vấn đề muôn thuở mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào đều phải đối mặt. Nhưng nếu Bắc Kinh và Mát-xcơ-va chủ động bắt tay chống lại sức ép từ Washington, đây sẽ là thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền Biden cũng như những nước đồng minh vốn đang thiếu chiến lược và bị chia rẽ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong bài góc nhìn được CNBC News đăng tải, Chủ tịch Hội đồng Ðại Tây Dương Frederick Kempe cho rằng những diễn biến mới nhất phản ánh chiến lược của Nga và Trung Quốc, đó là tranh thủ nắm lợi thế trước khi Tổng thống Biden củng cố Nhà Trắng và được đồng minh tin tưởng về khả năng khôi phục nước Mỹ. Hiện mục tiêu của ông Biden là ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19, thúc đẩy động lực kinh tế và khả năng cạnh tranh bên cạnh nhiệm vụ hàn gắn quan hệ với các đồng minh quan trọng. Ðây là những mảnh ghép nổi bật trong kế hoạch tổng thể được Nhà Trắng tính toán nhằm đưa nước Mỹ trở lại dẫn dắt thế giới.

Theo chuyên gia Kempe, chính quyền Tổng thống Biden trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ đã đạt được một số dấu mốc đáng chú ý, điển hình như tái gia nhập cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay trở lại bàn đàm phán với Iran. Nhưng cách chính trị gia 79 tuổi giải quyết thách thức ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc trong thời gian tới được dự báo sẽ định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông, thậm chí xác định kỷ nguyên của nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh với những cường quốc khác.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết