07/09/2018 - 07:54

Mỹ, Ấn nỗ lực xích lại gần nhau 

Nga tố Mỹ can thiệp tình hình Nicaragua

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 6-9 đã có cuộc gặp “2+2” với hai người đồng cấp Ấn Độ Nirmala Sitharaman và Sushma Swaraj tại Thủ đô New Delhi.

Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ Pompeo tại sân bay hôm 5-9. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ Pompeo tại sân bay hôm 5-9. Ảnh: AP

Theo AFP, hai “cánh tay đắc lực” của Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Ấn Độ không mua thiết bị quân sự của Nga cũng như ngừng nhập khẩu dầu từ Iran, trong khi tìm cách cải thiện quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực. Ngoài ra, nhiều vấn đề quan trọng khác cũng đã được hai bên thảo luận như chống khủng bố, an ninh hàng hải. Tại cuộc gặp, hai bên cũng luận bàn xung quanh việc mở rộng quy mô của các cuộc tập trận chung.

Cuộc gặp trên diễn ra gần 2 năm sau khi Washington hồi năm 2016 chỉ định New Delhi là một “đối tác quốc phòng chủ chốt” giữa lúc Mỹ tìm cách biến Ấn Độ thành bức tường thành trong khu vực nhằm chống lại Trung Quốc. Hôm 4-9, Ngoại trưởng Pompeo còn tuyên bố Ấn Độ là “đối tác chiến lược thực sự” và đóng vai trò rất quan trọng đối với thành công của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

AFP cho biết, Ấn Độ, nhà nhập khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới, đang có kế hoạch mua các vũ khí mới từ Nga, gồm hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa tối tân S-400. Theo các quy định hiện hành của Mỹ đối với Nga, các nước thứ 3 có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu họ thực hiện các cuộc giao dịch với ngành quốc phòng hoặc tình báo Mát-xcơ-va.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng Ấn Độ có khả năng sẽ không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran sau khi các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Tehran có hiệu lực kể từ đầu tháng 11 tới. Hiện các nhà máy tinh chế của Ấn Độ phụ thuộc vào các nguồn cung ứng dầu thô từ nước ngoài mà New Delhi là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Tehran, sau Trung Quốc. Trước đó, trong chuyến thăm New Delhi hồi tháng 6, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley từng cảnh báo Ấn Độ cần “suy nghĩ lại” mối quan hệ của nước này với Iran.

Trong diễn biến khác, hôm 5-9, Nga cáo buộc Mỹ can thiệp tình hình Nicaragua khi triệu tập cuộc họp cùng ngày tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) bàn về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Mỹ này, theo AFP.

Lấy lý do HĐBA “không thể là nhà quan sát thụ động giữa lúc Nicaragua tiếp tục trở thành “quốc gia thất bại”, nên Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng phải tiến hành cuộc họp nói trên. Đây là lần đầu tiên HĐBA thảo luận về cuộc khủng hoảng Nicaragua kể từ khi nước này nổ ra làn sóng biểu tình lớn hồi tháng 4 liên quan chuyện Managua thay đổi hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia mô tả quyết định của Washington là “một ví dụ về sự can thiệp phá hoại từ nước ngoài”. Theo nhà ngoại giao xứ bạch dương, tình hình Nicaragua đang “ổn định” và những bất đồng giữa chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega và người phản đối phải được tháo gỡ “thông qua đối thoại trực tiếp”. Phía Nicaragua cũng lên tiếng thách thức Mỹ, quốc gia là chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 9.

Các tổ chức nhân quyền cho biết có hơn 300 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương trong 4 tháng xảy ra biểu tình ở Nicaragua, trong đó cảnh sát và quân đội bị cho đã nã đạn vào những người phản đối ông Ortega. Ngoài ra, hơn 25.000 người dân nước này đã chạy sang Costa Rica trong khi số khác tị nạn tại Honduras, Panama và Mexico.

TRÍ VĂN - THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mỹ-Ấn Độ