29/12/2012 - 17:19

Syrie

Lực lượng đối lập từ chối tham gia đàm phán tại Nga

Thành viên Quân đội Syrie Tự do (FSA) tiếp tục biểu tình chống chính phủ của Tổng thống al-Assad vào hôm 28-12 tại quận Bustan al-Qasr ở thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters

Trong động thái phản ứng lời kêu gọi của Nga về một cuộc đàm phán hòa bình tại Thủ đô Mát-xcơ-va nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syrie trong 21 tháng qua, lãnh đạo phe đối lập ở Syrie đã lên tiếng bác bỏ lời đề nghị trên, đồng thời yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ Nga cho cái mà họ gọi là "sự hỗ trợ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Syrie Bashar al-Assad".

Trong một thông báo được đưa ra hôm 28-12, Nga cho biết lời mời đến Mát-xcơ-va tham gia đối thoại đã được chuyển cho lãnh đạo Liên minh Dân tộc Syrie (SNC) Mouaz al-Khatib, tổ chức vốn được các nước phương Tây và A-rập công nhận là "đại diện hợp pháp" cho người dân Syrie. Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh những chi tiết đánh giá về tình hình thực tế bên trong Syrie là tiền đề giúp các thành viên đối lập tìm ra giải pháp hợp lý để bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị. Đáp lại, phát ngôn viên lực lượng này Walid al-Bunni cho biết "liên minh sẵn sàng cho các cuộc đàm phán chính trị với bất cứ ai, ngoại trừ chế độ Tổng thống al-Assad".

Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, nhà lãnh đạo SNC Alkhatib cũng tuyên bố loại trừ một chuyến công du như trên khi khẳng định: "Sẽ không đến Mát-xcơ-va. Chúng tôi có thể tiến hành cuộc gặp ở một số nước A-rập với điều kiện có một chương trình nghị sự rõ ràng". Ngoài ra, vị lãnh đạo này còn muốn "một lời xin lỗi" từ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với cáo buộc "Nga đang đi ngược lại những tuyên bố của ông Lavrov rằng chính người dân Syrie sẽ quyết định vận mệnh của mình mà không cần sự can thiệp của nước ngoài".

Động thái trên được đánh giá là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra biện pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc tại Syrie thông qua con đường ngoại giao. Nga hiện vẫn đang duy trì quan điểm rằng lực lượng nổi dậy phải đàm phán với chính quyền Tổng thống al-Assad trong khi tình hình nội chiến ngày càng phức tạp với sự tham gia của nhiều phe phái. Mặc dù vậy, các nhà ngoại giao phương Tây vẫn hy vọng về một sự thay đổi mang tính quyết định trong chính sách của Nga.

Trong một diễn biến có liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược của Israel, ông Moshe Ya'alon tiết lộ Mỹ đang chuẩn bị và sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syrie để "tránh cho kho vũ khí hóa học của nước này rơi vào tay những kẻ vô trách nhiệm".

Theo trang mạng tình báo quân sự Israel DEBKA, Washington đã triển khai tàu sân bay USS Eisenhower với 8 phi đội máy bay ném bom cùng máy bay chiến đấu đến bờ biển Syrie hồi đầu tháng 12. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng ký kết thỏa thuận trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 400 binh sĩ được triển khai dọc theo biên giới với Syrie.

VI VI (Theo Reuters)

Thành viên Quân đội Syrie Tự do (FSA) tiếp tục biểu tình chống chính phủ của Tổng thống al-Assad vào hôm 28-12 tại quận Bus

Chia sẻ bài viết