Làn sóng giận dữ đang dâng cao trong dư luận Iraq, còn giới chức trách ở Washington thì bối rối sau khi một ông nghị Mỹ đề nghị Baghdad nên hoàn lại cho Washington số tiền họ đổ vào quốc gia vùng Vịnh này mấy năm nay.
Sự cố xảy ra vào cuối tuần rồi khi phái đoàn 6 nghị sĩ Mỹ do ông Dana Rohrabacher, dân biểu đảng Cộng hòa bang California, dẫn đầu đến thăm Baghdad. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là điều tra cái chết của 34 thành viên Tổ chức thánh chiến nhân dân Iran (Mujahideen-e Khalq - MEK), sau khi quân đội Iraq tấn công vào căn cứ tổ chức này (Trại Ashraf) đóng tại Iraq ngày 8-4. Các phần tử MEK lưu vong chống Iran đã được chính quyền cố Tổng thống Saddam Hussein cho tị nạn, nhưng từ khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, nhóm này trở thành cái gai trong mắt chính phủ mới do người Hồi giáo Shiite cầm quyền ở Iraq, vốn có mối quan hệ với nhà nước Hồi giáo Shiite ở Iran. Nhiệm vụ là vậy nhưng phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, ông Rohrabacher nói rằng một khi xứ sở ngàn lẻ một đêm trở thành quốc gia giàu có và thịnh vượng, thì nên trả lại cho Mỹ khoản tiền “nhiều tỉ USD” đã viện trợ. Tính đến nay, Mỹ đã đổ gần 800 tỉ USD vào Iraq.
Tuyên bố trên lập tức vấp phải phản ứng trong dư luận và chính giới Iraq, vốn đang căm phẫn Mỹ vì đã gây ra sự hỗn loạn và bạo lực tôn giáo, sắc tộc ở nước này sau khi lật đổ chính quyền Hussein. Người phát ngôn chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh ngày 12-6 tuyên bố: “Chính phủ Iraq bác bỏ những lời lẽ như vậy và chúng tôi đã thông báo với đại sứ quán Mỹ tại Baghdad rằng các nghị sĩ này không được chào đón ở Iraq”. Theo ông Dabbagh, phát biểu của ông Rohrabacher là nhận định cá nhân của một dân biểu đang tự tìm cách để “nổi tiếng”. Nặng nề hơn, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Iraq Humam Hmoudi gọi những lời lẽ của ông Rohrabacher là “xuẩn ngốc” và cho rằng đáng lý ra dân Iraq mới là người yêu cầu Mỹ bồi thường, vì Iraq đã tổn thất rất nhiều trong cuộc chiến kéo dài 8 năm qua.
Trục trặc trên diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Iraq. Baghdad đang cân nhắc liệu có yêu cầu quân đội Mỹ kéo dài thời gian ở lại nước này hay không. Hiện có khoảng 47.000 binh sĩ Mỹ ở Iraq và các quan chức Washington đang giục Baghdad đưa ra quyết định liệu có muốn họ tiếp tục hiện diện quân sự sau ngày 31-12 năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thời gian gần đây đã không giấu giếm ý định muốn để quân đội Mỹ ở lại Iraq lâu hơn nếu được yêu cầu. Vì vậy, tuyên bố của ông Rohrabacher không những bị Iraq chỉ trích, mà còn bị phía Mỹ phê bình. Đại sứ Mỹ tại Baghdad James Jeffrey đã tự tạo khoảng cách với những đánh giá của ông Rohrabacher, khi cho rằng đoàn nghị sĩ Mỹ tới Iraq không phát ngôn đại diện cho chính quyền hay là đa số nghị sĩ Mỹ, mà chỉ thể hiện quan điểm cá nhân họ.
Giá mà ông Rohrabacher đừng đề cập những vấn đề nằm ngoài nhiệm vụ của mình khi đến Baghdad thì đâu có chuyện lỡ lời.
N. KIỆT (Theo AP, CNN)