23/06/2015 - 09:46

Lãnh đạo Lầu Năm Góc giục NATO thay đổi chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bắt đầu chuyến công du châu Âu từ ngày 21-6 nhằm kêu gọi các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hợp tác và tìm kiếm sách lược mới thay cho tư tưởng Chiến tranh Lạnh nhằm đối phó với những nguy cơ và thách thức mà châu Âu phải đối mặt.

Theo kế hoạch, lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ dừng chân đầu tiên ở Đức để thăm đơn vị phản ứng nhanh thuộc NATO mới thành lập. Sau đó, ông sẽ đến Thủ đô Tallinn của Estonia để gặp gỡ bộ trưởng quốc phòng của 3 quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva trước khi tham dự phiên họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng của NATO tại Bỉ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong một buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của ông Carter diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa Washington và khối quân sự phương Tây đang ở giai đoạn "mạnh mẽ nhất" trong nhiều thập kỷ trở lại đây, theo các quan chức Mỹ. Thảo luận về điều này, tờ Washington Post trích nguồn tin giấu tên cũng cho đây là thời gian thuận lợi để ông Carter đến châu Âu và đánh giá về môi trường an ninh đang thay đổi, qua đó đảm bảo NATO "có thể sẵn sàng đối phó theo những cách tốt nhất" trước điều mà Washington gọi là nguy cơ "can thiệp quân sự" của Nga ở phía Đông bên cạnh mối đe dọa từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Nam.

Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ và NATO cần phải có cách tiếp cận "mạnh mẽ nhưng cân bằng" với Nga. Theo ông, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thay đổi đường lối chính sách trong quan hệ với Mỹ và NATO hay không vẫn là điều chưa biết được. Vì vậy, ông đề nghị các nước đồng minh áp dụng phương pháp tiếp cận 2 hướng. Nghĩa là vừa nhấn mạnh vai trò quan trọng của Điện Kremlin đối với vấn đề đàm phán hạt nhân Iran, cuộc chiến chống IS và quá trình chuyển đổi chính trị hòa bình ở Syrie; nhưng đồng thời củng cố khả năng của châu Âu trong việc ngăn chặn và đối phó hành động "can thiệp quân sự" từ Nga sau động thái sáp nhập khu vực Crimea và cáo buộc Mát-xcơ-va yểm trợ quân sự cho phe ly khai ở miền Đông chống lại chính phủ Ukraina.

Nhiều nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ thảo luận với các đối tác về đề xuất triển khai vũ khí hạng nặng tại Đông Âu bao gồm xe tăng cùng nhiều thiết bị chiến đấu bộ binh trong bối cảnh tình hình Ukraina tiếp tục bất ổn và khả năng mối quan hệ rạn nứt với Nga có thể kéo dài qua thời Tổng thống Putin. Những thiết bị này sẽ được sử dụng cho các cuộc diễn tập và chương trình đào tạo khác, nhưng quan trọng hơn là cho phép NATO phản ứng kịp thời nếu xảy ra khủng hoảng trong khu vực. Trước đó, Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện của binh sĩ trên bộ đóng quân lâu dài tại khu vực này.

Trong diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon hôm 21-6 cho biết binh lính và chiến đấu cơ của nước này sẽ tiếp tục nhiệm vụ lâu dài ở Đông Âu nhằm gởi tín hiệu đến Tổng thống Putin về cam kết phòng thủ tập thể của các quốc gia thành viên NATO. Theo ông Fallon, Anh sẽ tiếp tục đóng góp từ 1.000 binh sĩ vào năm 2016 và tăng lên 3.000 vào năm kế tiếp cho lực lượng phản ứng nhanh đóng ở Đông Âu vốn được xem là "mũi nhọn" có thể sẵn sàng triển khai trong 2 ngày khi nhận lệnh. Ngoài ra, 4 chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) được triển khai để tuần tra không phận các quốc gia vùng Baltic sẽ tiếp tục nhiệm vụ này trong năm tới.

MAI QUYÊN (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết