09/10/2017 - 22:08

Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật Bản

Kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vùng ĐBSCL 

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư, nhưng tại khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản còn rất khiêm tốn. Với mục đích tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa để xúc tiến thương mại, chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản tại TP Cần Thơ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần thu hút mạnh các nhà đầu tư Nhật Bản đến với TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Gian hàng quảng bá sản phẩm doanh nghiệp Nhật Bản tại Lễ hội Việt - Nhật lần 2 năm 2016. Ảnh: VCCI Cần Thơ

Giao lưu

Đây là năm thứ 3 chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản tại TP Cần Thơ (gọi tắt là Lễ hội Việt – Nhật 2017) được tổ chức. Chương trình kéo dài 3 ngày (từ ngày 3 đến 5-11-2017) tại Công viên Lưu Hữu Phước, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, với sự tham gia của lãnh đạo của các tỉnh, thành và  các cơ quan xúc tiến của TP Cần Thơ cùng các doanh nghiệp ĐBSCL.

Đại diện Nhật Bản tham gia giao lưu có Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan, tổ chức đại diện Chính phủ Nhật Bản, tổ chức, hiệp hội, cơ quan xúc tiến của Nhật Bản như: JETRO, JNTO và khoảng 30 doanh nghiệp của Nhật Bản. Mục đích của Lễ hội Việt – Nhật nhằm đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa TP Cần Thơ và Nhật Bản, tạo tiền đề cho việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa giữa hai quốc gia.

Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Việt - Nhật 2017 có 120 gian hàng (năm 2016 có 90 gian hàng). Các gian hàng thiết kế mang đậm nét văn hóa lễ hội Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó, 15 gian giới thiệu văn hóa và sản phẩm Nhật Bản, 15 gian giới thiệu văn hóa và sản phẩm Việt Nam, 90 gian là khu vực dành cho các doanh nghiệp hai nước trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ: sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, logistics, ẩm thực, tư vấn du học, giáo dục, việc làm, dược phẩm, hàng tiêu dùng, quà tặng...

Nhà trung tâm có diện tích 400m2 thiết kế riêng biệt để trưng bày các sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản như: các thiết bị kỹ thuật cao, robot tự động hóa, sản phẩm công nghệ thông minh với ứng dụng của hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), các sản phẩm truyền thống... mang đậm nét văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác kinh doanh là giao lưu văn hóa nghệ thuật. Trong suốt 3 ngày diễn ra sự kiện, 40 tiết mục do các diễn viên đến từ Nhật Bản, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng biểu diễn. Những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của 2 quốc gia sẽ được trình diễn trong lễ hội: đờn ca tài tử Nam bộ, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, thủ công mỹ nghệ, tranh ảnh thư pháp, các món ẩm thực nổi tiếng miền Tây, tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam; biểu diễn văn hóa truyền thống yosakoi, võ kiếm đạo (Nhật Bản), dạy nấu món ăn Nhật... Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của ca sĩ ReN, nhượng quyền biểu diễn Doraemon từ Nhật Bản và công chiếu bộ phim tâm lý xã hội về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, chia sẻ: “Văn hóa đang được xem là cầu nối để phát triển hợp tác kinh tế. Hy vọng, qua sự kiện năm nay doanh nghiệp Nhật Bản sẽ quan tâm nhiều hơn đến TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL".  

Thúc đẩy hợp tác đầu tư

Theo VCCI Cần Thơ, vùng ĐBSCL hiện có 159 dự án FDI (đầu tư trực tiếp) của Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký đầu tư 2,111 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai khoáng, xử lý nước thải... Ông Sasaki Noriyuki, Phó Giám đốc Công ty TNHH Brainworks Asia, cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được sự ưu tiên đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản".

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản đến TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL còn rất ít. Thông qua 2 kỳ tổ chức chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam-Nhật Bản (năm 2015, 2016), doanh nghiệp Nhật Bản đã biết về vùng ĐBSCL nhiều hơn. Hy vọng, sau chương trình lần 3 này, doanh nghiệp Nhật Bản đến với vùng sẽ tăng"-ông Sasaki Noriyuki nói. 

Ông Sasaki Noriyuki chia sẻ thêm, để thu hút mạnh các nhà đầu tư Nhật Bản, TP Cần Thơ cần quan tâm đến phát triển hạ tầng. Đó là đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi, giải trí... Đồng thời, vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản để doanh nghiệp Nhật biết đến vùng đất này nhiều hơn.  

Sắp tới, TP Cần Thơ tổ chức chuyến công tác xúc tiến, hợp tác, đầu tư tại Nhật Bản. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, thành phố tập trung mời gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản; với 4 dự án: dự án khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án khu công nghệ thông tin tập trung; dự án trung tâm logistic hạng 2 và dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản. TP Cần Thơ có ưu thế chi phí nhân công rẻ, dân số trẻ với trình độ, kỹ năng ngày càng được nâng cao. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, TP Cần Thơ đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư... Với những điều kiện thuận lợi trên, kỳ vọng chuyến công tác của đoàn sẽ thu hút mạnh nhà đầu tư Nhật Bản đến TP Cần Thơ hợp tác kinh doanh. 

Nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng hiện nay thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực này chưa nhiều. Từ thực tế đó, trong khuôn khổ Lễ hội Việt - Nhật 2017 còn có các hoạt động giao thương kinh tế. Đó là Hội nghị chuyên đề về đầu tư Nhật Bản vào ĐBSCL, nhằm kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cải tạo môi trường, phát triển y tế, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện sức khỏe con người. Hội nghị kinh doanh châu Á lần thứ 59 với phiên đối thoại với đoàn 60 doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư, chuyên gia tại khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Phương Lam bày tỏ lạc quan, khi nhà đầu tư Nhật Bản đến ĐBSCL ngày một nhiều. Chỉ tính riêng VCCI Cần Thơ, năm 2016, tiếp16 đoàn; 9 tháng năm 2017, tiếp 9 đoàn doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh những lĩnh vực như: giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, xử lý rác thải, công nghệ thông tin, gần đây đã có những doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm hiểu, khảo sát đầu tư vào nông nghiệp.

Những năm qua, các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ đã thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà đầu tư Nhật Bản tại địa phương còn khiêm tốn. Thực tế cho thấy, các tỉnh, thành ĐBSCL đã chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, môi trường và chính sách ưu đãi… nhưng yếu tố con người, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các đối tác Nhật Bản. Các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí cao cấp cũng đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện từng bước.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Bên cạnh những chương trình xúc tiến, việc mời doanh nghiệp đến trực tiếp tìm hiểu văn hóa, kinh tế địa phương, để hai bên trực tiếp tìm hiểu và chia sẻ về những chính sách hợp tác đầu tư, được xem là cách giới thiệu, kêu gọi đầu tư hiệu quả.

Khánh Nam

Chia sẻ bài viết