30/10/2008 - 14:25

Bộ Công thương

Kiện nghị nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo, thu mua lúa cho nông dân

* Tăng cường chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo và thu mua lúa cho nông dân.

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng cho nông dân và các doanh nghiệp thu mua lúa gạo được giãn nợ, bỏ lãi khi giãn nợ và được hưởng hỗ trợ lãi suất; đồng thời kiến nghị cho xuất khẩu gạo tự do, không phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Lương thực, bỏ giá sàn từ tháng 10-2008 đến hết tháng 2-2009.

Bộ Công Thương đề nghị hạn chế trồng mới giống lúa IR 50404 vì loại này đang rất khó khăn về đầu ra. Ngoài ra, nếu xuất khẩu tiếp tục khó khăn, có thể xem xét dùng loại gạo này để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thay thế nguyên liệu đang phải nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Bộ Công Thương cho biết: từ đầu năm 2008 đến nay Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,95 triệu tấn gạo, so với kế hoạch sẽ phải tiếp tục xuất khẩu 650.000 tấn nữa.

* Bộ Công Thương cũng vừa ban hành Thông tư số 12/2008/TT-BCT nhằm hướng dẫn quy trình, thủ tục tiếp nhận, thụ lý giải quyết đơn yêu cầu xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ của cơ quan Quản lý thị trường đối với các vụ việc vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và sao chép lậu trong thị trường nội địa.

Theo đó, cơ quan Quản lý thị trường các cấp, cán bộ, công chức thuộc lực lượng Quản lý thị trường thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Do đó, các đơn vị này có nhiệm vụ kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ đối với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội yêu cầu xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với các nhóm hàng là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dùng cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo, cơ quan Quản lý thị trường có thể chủ động kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ mà không nhất thiết phải có yêu cầu của chủ thể quyền hoặc cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích liên quan theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP.

Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra hành vi xâm phạm quyền và kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ đối với các Đội Quản lý thị trường trực thuộc; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường quyết định kiểm tra và xử lý hành vi xâm phạm quyền, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền...

UYÊN HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết