16/08/2019 - 15:09

Khi tuyết Bắc Cực và nước mưa có nhựa 

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances ngày 14-8 cho biết các nhà khoa học phát hiện rất nhiều hạt vi nhựa trong các lõi băng được khoan tại Bắc Cực (ảnh), đặt ra mối đe dọa cho đời sống thủy sinh ở tận những vùng biển hẻo lánh nhất trên Trái đất.

Ảnh: Reuters

 Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học quốc tế đã thu thập các mẫu băng trong chuyến thám hiểm tại Hành lang Tây Bắc, tuyến đường nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Họ rút 18 lõi băng dài đến 2m tại 4 địa điểm để phân tích và thấy những hạt và sợi nhựa siêu nhỏ có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau.

Các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ cũng công bố nghiên cứu dựa trên các mẫu băng tuyết thu thập ở Bắc Cực và dãy núi Alps cho thấy hạt vi nhựa đang được gió thổi đi rất xa và kết lại khi tuyết rơi. Nhóm nghiên cứu chỉ hy vọng tìm thấy hạt vi nhựa, nhưng mật độ quá lớn của chúng khiến họ giật mình. Hạt vi nhựa tập trung nhiều nhất trên dãy Alps ở vùng Bavaria (Đức), trong đó một mẫu băng có đến hơn 150.000 hạt/lít. Mặc dù các mẫu băng ở Bắc Cực ít ô nhiễm hơn, mật độ hạt vi nhựa cao thứ ba trong số các mẫu được phân tích (14.000 hạt/lít) đến từ một tảng băng trôi ở Eo biển Fram. Các nhà nghiên cứu phát hiện trung bình có 1.800 hạt nhựa/lít trong các mẫu băng ở khu vực này.

Các hạt vi nhựa rất phong phú, phổ biến nhất là véc-ni- có thể được dùng để phủ lên tàu và xe hơi, rồi đến cao su và những vật liệu sử dụng trong vải dệt hoặc đóng gói. Tiến sĩ người Đức Melanie Bergmann, đồng tác giả nghiên cứu, lo ngại rằng khi số lượng lớn hạt vi nhựa có thể được đưa đi bởi không khí, thì câu hỏi đặt ra là có hay không và chúng ta đang hít vào cơ thể bao nhiêu nhựa. 

Liên Hiệp Quốc ước tính 100 triệu tấn nhựa bị đẩy xuống các đại dương. Chúng phân tán thành sợi và hạt vi nhựa không thể phân hủy sinh học. Hạt vi nhựa hiện diện ở khắp mọi nơi, từ núi cao cho đến đáy biển sâu và có thể mang theo các chất độc hại và vi trùng gây bệnh. Hồi tháng 5 vừa qua, hãng tin Reuters cho biết rác thải nhựa thậm chí đã được thấy ở rãnh sâu nhất Trái đất- khe nứt Mariana tại Thái Bình Dương.

Từ nghiên cứu mới, các nhà khoa học cảnh báo “hạt vi nhựa đang gây ô nhiễm không khí trầm trọng”, đồng thời kêu gọi khẩn trương nghiên cứu về ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe con người. Trước đây, hạt vi nhựa từng được phát hiện trong mô phổi của bệnh nhân ung thư. Hồi tháng 6 vừa qua, một nghiên cứu khác chứng minh con người đang vô tình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa/năm. Gần đây, một công trình khoa học cũng chỉ ra rằng hạt vi nhựa đầy màu sắc rơi xuống dãy núi Rocky ở Bắc Mỹ với số lượng lớn và có trong đất canh tác gần thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.

Qua khảo sát mưa ở Denver và Boulder thuộc bang Colorado, các nhà khoa học Mỹ kết luận có hiện tượng “mưa nhựa” tại hai thành phố này, sau khi phát hiện nhựa tồn tại trong 90% mẫu nước mưa, chủ yếu dưới dạng sợi và có nhiều màu sắc. Mắt thường không thể nhìn thấy những hạt nhựa này.

THANH BÌNH (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết