15/02/2018 - 10:56

Khi Mẹ Thiên nhiên nổi giận 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà biểu hiện chính là nóng lên toàn cầu và nước biển dâng đang thổi bùng mức độ tàn phá của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21 vì tác động của BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người trên khắp hành tinh.

Bão lũ, hạn hán triền miên

Nhà cửa tốc mái, cây cối đổ ngã hay đường sá ngập lụt là những hình ảnh tan hoang ở nhiều bang nước Mỹ sau khi hai siêu bão Harvey và Irma lần lượt quét qua. Khi đổ bộ vào bang Texas với sức gió 210km/h và trút xuống tổng cộng 125 tỉ tấn nước mưa hồi cuối tháng 8-2017, siêu bão Harvey đã khiến hơn 80 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 150 tỉ USD. Đây được coi là cơn bão mạnh nhất ập vào xứ cờ hoa kể từ năm 2005 và mạnh nhất ở Texas trong 50 năm qua.

Cuộc sống người dân ở bang Tây Bengal (Ấn Độ) bị đảo lộn vì lũ lụt hồi tháng 8-2017.  Ảnh: PTI

Cuộc sống người dân ở bang Tây Bengal (Ấn Độ) bị đảo lộn vì lũ lụt hồi tháng 8-2017.  Ảnh: PTI

Giữa lúc Texas còn chưa “hoàn hồn”, trên Đại Tây Dương lại xuất hiện siêu bão mới mang tên Irma. Những cơn cuồng phong với sức gió lên đến 297km/h  được ghi nhận. Sau khi càn quét các quốc gia vùng Caribe, “quái vật” Irma đổ bộ vào bang Florida, buộc 6,3 triệu người phải sơ tán, phá hủy nhiều ngôi nhà và gây ngập lụt nghiêm trọng. Ít nhất 61 người đã chết do cơn bão mà báo New York Times mô tả là mạnh nhất trên Đại Tây Dương trong một thế kỷ qua. Về tổn thất kinh tế, Irma đã “cuốn phăng” 100 tỉ USD của nước Mỹ.

Đây là lần đầu tiên nước Mỹ lục địa đón nhận hai cơn bão cấp 4 trong cùng một năm (trong thang bão 5 cấp). Theo nhận định của các chuyên gia, những thay đổi trong khí quyển Trái đất không trực tiếp gây ra các siêu bão nói trên, mà chính tác động của BĐKH đã khiến chúng có sức hủy diệt hơn so với những thập kỷ trước.

Khi Mẹ Thiên nhiên nổi giận, khó nơi nào có thể tránh được hậu quả. Bằng chứng là khu vực Nam Á cũng đã phải hứng chịu các trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Ít nhất 1.200 người thiệt mạng và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau khi mưa lũ và lở đất tàn phá Ấn Độ, Bangladesh và Nepal hồi cuối tháng 8-2017. Trái lại, có những nơi xảy ra nắng nóng khủng khiếp, chẳng hạn như mức nhiệt 450C đã được ghi nhận tại Kuwait hồi đầu tháng 8, thậm chí hơn 470C tại Úc vào tháng 1-2018.

Mặc dù hạn hán không phải là điều mới mẻ ở Đông Phi, nhưng xu hướng này đang gia tăng một cách đáng ngại. Đơn cử là các quốc gia Somalia, Kenya và Ethiopia đã trải qua những đợt hạn hán khốc liệt trong năm 2017 do lượng mưa thấp kỷ lục và nhiệt độ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của ít nhất 14 triệu dân. Trong đó, Chính phủ Kenya đã phải tuyên bố hạn hán năm 2017 là thảm họa quốc gia.

Theo ước tính của tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re, tổng thiệt hại trên toàn cầu do thảm họa thiên nhiên trong năm 2017 lên đến 306 tỉ USD, tăng 63% so với năm trước đó. Tổng cộng thế giới có hơn 11.000 người chết hoặc mất tích do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua.

Hiện tượng bão chồng bão trong thời gian ngắn ở Mỹ, mưa lũ hoành hành tại Nam Á và hạn hán triền miên ở châu Phi là những cảnh báo hùng hồn cho những ai còn hoài nghi về tác động của BĐKH. Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ đó là thiên tai, nhưng báo cáo chung của 13 cơ quan liên bang Mỹ hồi tháng 11-2017 kết luận 95-100% BĐKH là “nhân tai”, chủ yếu do phát thải khí CO2 từ các hoạt động đốt than và nhiên liệu hóa thạch của con người.

Sự thật về BĐKH không phải bàn cãi. Thậm chí cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu YouGov cho thấy BĐKH hiện là vấn đề nghiêm trọng thứ ba trên thế giới, chỉ sau chủ nghĩa khủng bố và nghèo đói.

Nhiệt độ năm sau cao hơn năm trước

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc, 2017 lẽ ra là năm nóng nhất trong lịch sử nếu không có hiện tượng El Nino tự nhiên giải phóng nhiệt từ Thái Bình Dương khoảng 5 năm một lần làm tăng nhiệt độ toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016.

Cừu chết hàng loạt do hạn hán khốc liệt ở vùng Turkana, Kenya. Ảnh: WordPress.com

Cừu chết hàng loạt do hạn hán khốc liệt ở vùng Turkana, Kenya. Ảnh: WordPress.com

Một điều cũng đáng lo ngại là dữ liệu do Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California (Mỹ) thu thập tại Đài quan sát ở Hawaii cho thấy nồng độ khí nhà kính CO2 trong bầu khí quyển Trái đất năm 2017 đã vượt qua ngưỡng 410 phần triệu (ppm) lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Nồng độ CO2 cao sẽ khiến Trái đất giữ lại nhiệt từ ánh sáng Mặt trời nhiều hơn và gia tăng tác động của BĐKH.

Cũng vì điều này mà Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo rằng nếu không nhanh chóng giảm thải CO2 và các khí nhà kính khác, vào cuối thế kỷ này thế giới sẽ vượt quá mục tiêu mà Hiệp định Paris về chống BĐKH đề ra là kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,50C.  Đây là mức mà nhiều đảo quốc khẳng định nếu vượt qua sẽ đe dọa sự sinh tồn của họ.

Không chỉ các đảo quốc, nhiều vùng duyên hải trên thế giới cũng được cảnh báo về nguy cơ tồn vong liên quan đến BĐKH. Báo cáo của tạp chí Scientific Reports nhấn mạnh nếu Trái đất tiếp tục nóng lên với tốc độ như hiện nay (dự báo đến năm 2050 tăng 30C), khiến nước biển dâng cao hơn (10-20cm), thì các trận lũ lụt trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ, đe dọa xóa sổ nhiều quốc gia và thành phố ven biển. Còn Viện Tài nguyên Thế giới dự báo vào năm 2030, số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên thế giới sẽ tăng từ 21 triệu lên 54 triệu người, trong khi thiệt hại kinh tế nhảy vọt từ 86 tỉ lên 540 tỉ USD.

Nhiệt độ quá nóng cũng có thể biến nhiều nơi ở Nam Á trở thành vùng đất chết, tuyệt tích bóng người trong vòng 80 năm tới.  Xu hướng nhiệt độ tăng được cho sẽ phá hủy ngành nông nghiệp ở Tiểu lục địa Ấn Độ, đẩy những dải đất rộng lớn vào tình trạng hoang phế, khiến con người khó sinh sống và đe dọa nguồn cung thực phẩm toàn cầu. Nếu vậy, họ sẽ phải thực hiện cuộc đại di cư để tìm cuộc sống mới, thậm chí lớn gấp 3 lần hiện nay. Điều này đã được đề cập trong nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), với dự báo sẽ có 1 triệu người đổ về châu Âu mỗi năm từ năm 2100 nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục tàn phá các khu vực, bao gồm tiểu vùng Sahara của châu Phi và những nơi khác ở châu Á.

Hành động vì mái nhà chung

Rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến những tác động khốc liệt của BĐKH trong cuộc sống hàng ngày. Hệ quả đã rõ ràng nhưng nhận thức về BĐKH trong xã hội vẫn còn hạn chế. Giới khoa học khẳng định những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng không thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động của BĐKH nếu không có quyết tâm và đồng lòng của cả nhân loại. Không chỉ những quốc gia trực tiếp chịu ảnh hưởng, mà cả thế giới phải chung tay hành động để cứu lấy mái nhà chung. Một trong những bước đi cần thực hiện ngay lúc này là tập trung kéo giảm lượng khí thải nhà kính, chuyển sang sử dụng năng lượng tái sinh mới mong kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ Trái đất.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết