16/01/2021 - 08:11

Kế hoạch giải cứu nước Mỹ của ông Biden 

Trước thềm nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã công bố gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp trụ vững đến khi mọi người dân được tiếp cận vaccine.

Ông Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris trong một sự kiện tại Washington. Ảnh: Getty Images

Ông Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris trong một sự kiện tại Washington. Ảnh: Getty Images

Theo đề xuất, chính phủ dự kiến hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho các hộ gia đình Mỹ sau khi mỗi người đã nhận 600USD trong gói kích cầu gần 900 tỉ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái. Bên cạnh đó, ông Biden đề nghị tăng gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/giờ và nâng khoản trợ cấp thất nghiệp từ 300 lên 400 USD/tuần cho đến cuối tháng 9. Ngoài ra, số tiền 350 tỉ USD trong gói kích cầu trên sẽ được cấp cho chính quyền các bang và địa phương; thêm 170 tỉ USD dùng để hỗ trợ hệ thống trường học và cơ sở giáo dục; 50 tỉ USD chi cho công tác xét nghiệm COVID-19 mở rộng và 20 tỉ USD dành cho chương trình tiêm chủng trên toàn quốc.

Theo nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden, “Giải cứu nước Mỹ” là kế hoạch đầu tiên trong số hai sáng kiến ​​chi tiêu lớn mà tổng thống đắc cử theo đuổi trong những tháng đầu cầm quyền. Dự luật còn lại sẽ được công bố vào tháng 2, tập trung giải quyết các mục tiêu dài hạn bao gồm tạo việc làm, cải tạo cơ sở hạ tầng, các dự án chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy bình đẳng chủng tộc. Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế dự đoán ông Biden sẽ bắt đầu đưa ra các biện pháp tăng thuế đối với hộ gia đình thu nhập cao theo cam kết tranh cử và đảo ngược một phần chính sách cắt giảm thuế (từ 35% xuống 21%) mà chính quyền Trump thực thi từ năm 2017.

Phát biểu hôm 14-1, Joe Biden thừa nhận tham vọng cũng như “cái giá” phải trả cho kế hoạch trên. Tuy nhiên, ông hy vọng những gói cứu trợ này sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho quốc gia thông qua giải cứu nền kinh tế và đánh bại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, đề xuất của ông Biden bước đầu dễ thực hiện và thúc đẩy kinh tế hiệu quả thông qua kích thích chi tiêu, gia tăng việc làm. Nếu được Quốc hội thông qua, ước tính tổng số tiền kích thích kinh tế Mỹ sẽ lên đến 5.200 tỉ USD kể từ khi đại dịch bùng phát, tương đương khoảng 1/4 sản lượng kinh tế hàng năm của nước này.

Mặc dù đảng Dân chủ sẽ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội vào cuối tháng 1, gói kích cầu với nhiều khoản chi tiêu lớn dành cho các ưu tiên của đảng Dân chủ có thể vấp phải phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa. Ngoài ra, cựu trợ lý chính sách của Tổng thống Bill Clinton và hiện làm việc tại Viện Brookings, William Galston cảnh báo hàng loạt ưu tiên lập pháp của chính quyền mới có thể bị trì hoãn khi Thượng viện tiến hành phiên tòa luận tội ông Trump. Ngoài mục tiêu ứng phó đại dịch COIVD-19 để khôi phục tăng trưởng kinh tế, phiên tòa kéo dài còn ảnh hưởng đến cam kết của ông Biden về việc hàn gắn chia rẽ trên chính trường cũng như trong xã hội Mỹ.

Công bố đề cử cho chức Cố vấn cấp cao về Trung Quốc

Ngày 14-1, người phát ngôn nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden cho hay bà Laura Rosenberger, một chính khách kỳ cựu của Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng, người từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm năm 2016 của ứng viên Hillary Clinton, sẽ được lựa chọn giữ vai trò Cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Nhà Trắng trong chính quyền sắp tới.

Bà Rosenberger sẽ là người báo cáo trực tiếp với ông Kurt Campbell, một chính khách kỳ cựu khác của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama  và đã được bổ nhiệm làm điều phối viên cấp cao của Tổng thống đắc cử Biden về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

Bà Rosenberger trước đây từng là Giám đốc NSC phụ trách Trung Quốc và Hàn Quốc dưới thời cựu Tổng thống Obama cùng các vị trí tại Bộ Ngoại giao và NSC, bao gồm cả chức Chánh Văn phòng cho cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, người được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng Mỹ.

Quan hệ với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Biden. Quan hệ Mỹ - Trung đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trong những ngày cuối cùng trước khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20-1, chính quyền của ông Trump  đã công bố một loạt chính sách nhằm duy trì cách tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Một ngày sau khi Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội, kết quả thăm dò của tổ chức Public Opinion Strategies và chuyên gia Bill McInturff công bố cho thấy nước Mỹ tiếp tục chia rẽ quanh thái độ cử tri đối với khả năng Tổng thống Trump bị luận tội và cách chức.

Nhìn chung, 50% cử tri trên toàn quốc nói rằng ông Trump nên bị luận tội và cách chức trong khi 48% phản đối. Về mặt đảng phái, 89% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ luận tội so với 8% cử tri phe Cộng hòa. Điều đó cho thấy, dù các lãnh đạo Cộng hòa có quay lưng với Tổng thống Trump cũng không làm lung lay vị thế của ông đối với phần lớn cử tri đảng này.

MAI QUYÊN (Theo CNBC, Financial Times)

Chia sẻ bài viết