25/03/2016 - 08:23

Indonesia tố Trung Quốc gây căng thẳng khu vực

Indonesia hôm 23-3 đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh về việc thả 8 ngư dân Trung Quốc đang bị bắt giữ do đánh bắt cá trái phép, đồng thời nước này còn tố Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng khu vực khi tìm mọi cách ngăn cản không cho Indonesia tịch thu tàu phạm pháp.

Giới chức Indonesia cho biết căng thẳng bùng phát vào chiều ngày 19-3, sau khi tàu tuần tra KP Hiu11 thuộc Bộ Ngư nghiệp Indonesia (KKP) ngăn chặn tàu cá 300 tấn Quế Bắc Ngư 10078 của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông. Lực lượng tuần tra Indonesia đã bắt giữ 8 ngư dân và tiến hành tịch thu tàu. Trong quá trình chiếc Quế Bắc Ngư bị KKP áp giải về căn cứ, một tàu hải cảnh Trung Quốc đột nhiên xuất hiện và can thiệp bằng cách va chạm với tàu đánh cá. Hành động nguy hiểm của Trung Quốc buộc tàu tuần tra KKP phải dừng lại trong giới hạn lãnh hải Indonesia, đồng thời liên lạc với căn cứ yêu cầu Hải quân hỗ trợ. Hải quân Indonesia sau đó cử xuồng cao su đổ bộ đến khu vực, gần như cùng lúc, một tàu bảo vệ bờ biển thứ hai của Trung Quốc cũng xuất hiện ở vùng lân cận. Để tránh xảy ra xung đột, KKP quyết định bỏ lại tàu đánh cá Trung Quốc và trở về căn cứ. Ngay sau khi lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc trưng dụng chiếc Quế Bắc Ngư, lực lượng Hải quân Indonesia cũng đến vị trí và giám sát tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải Indonesia.

Tàu cá Quế Bắc Ngư và ngư dân Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ. Ảnh: KKP

Sau vụ việc, Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc giải thích về hành động của tàu hải cảnh. Hôm 21-3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tiếp tục triệu tập đại diện ngoại giao Trung Quốc để phản đối hành vi mà Jakarta nêu rõ là "vi phạm chủ quyền Indonesia" và đề nghị Bắc Kinh "phải tôn trọng luật pháp quốc tế". Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Indonesia và ngang nhiên cho rằng vụ việc xảy ra "trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc". Phía Trung Quốc còn kêu gọi Indonesia ngay lập tức thả các ngư dân.

Trong tuyên bố hôm 23-3, Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan khẳng định 8 ngư dân Trung Quốc sẽ bị truy tố theo pháp luật. Thứ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia Arif Havas Oegroseno còn nhấn mạnh, tuyên bố của Trung Quốc về "ngư trường truyền thống" vốn không được công nhận theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. "Tuyên bố này rất mơ hồ và không có giá trị"- ông Oegroseno nói. Ông Oegroseno khẳng định việc Trung Quốc tìm cách đâm vào chiếc Quế Bắc Ngư hòng cản trở lực lượng tuần tra Indonesia là hành động "vi phạm gián tiếp công ước quy định va chạm của Tổ chức Hàng hải quốc tế". Trước nay, Trung Quốc nổi tiếng với việc sử dụng tàu đánh cá như đội quân "tiên phong" để thực hiện yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý ở Biển Đông. Với hành động lần này, ông Oegroseno cho rằng Bắc Kinh không chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực mà còn tạo ra một "tình huống mới" buộc các nước Đông Nam Á phải theo dõi chặt chẽ.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc và Indonesia va chạm trên biển, nhưng đây là lần đầu tiên Jakarta phản ứng cứng rắn khi tàu hải cảnh Trung Quốc gần như xâm nhập phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Natuna. Theo giới quan sát, Jakarta lâu nay vẫn đứng ngoài tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khu vực. Về phần mình, Bắc Kinh cũng không mong muốn Indonesia trở thành quốc gia kế tiếp phản đối Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Nhưng khi Trung Quốc giở trò "ngư trường truyền thống" trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, các nhà phân tích cho rằng Indonesia khó có thể đứng ngoài cuộc. Trong một tuyên bố, Bộ truởng An ninh Pandjaitan cho biết Indonesia sẽ tăng cường hiện diện quanh quần đảo Natuna bằng cách triển khai thêm quân và tàu tuần tra hiện đại, nâng cấp căn cứ hải quân ở đó với hệ thống phòng thủ tiên tiến.

MAI QUYÊN (Theo AP, AFP, Diplomat)

Chia sẻ bài viết