25/03/2021 - 06:26

Huawei trong quan hệ Mỹ - Ấn 

Quyết định của Mỹ và Ấn Độ về “gã khổng lồ” công nghệ Huawei của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa đối với quan hệ riêng biệt giữa hai nước với Bắc Kinh mà còn đối với cả quan hệ song phương Washington - New Delhi. Đó là nhận định của tờ The Diplomat về cách Ấn Độ đối xử với Huawei trong thời gian tới.

Huawei quyết không rời Ấn Độ

Một cửa hàng Huawei tại thủ đô New Delhi. Ảnh: CNN

Một cửa hàng Huawei tại thủ đô New Delhi. Ảnh: CNN

Hôm 6-3, Công ty dịch vụ viễn thông Bharti Airtel của Ấn Độ đã ký với Huawei hợp đồng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trị giá 41,12 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau đó, một cơ quan truyền thông dẫn lời 2 quan chức Chính phủ Ấn Độ giấu tên cho biết, New Delhi có khả năng cấm các nhà cung cấp dịch vụ di động trong nước sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất vì lý do an ninh. Song, Huawei trong một tuyên bố nhấn mạnh rằng bất cứ điều gì xảy ra, công ty này cũng sẽ không bao giờ rời khỏi Ấn Độ, bởi đây là một trong những thị trường lớn và quan trọng nhất. “Theo quan điểm của Huawei, chúng tôi chưa bao giờ thay đổi chiến lược đối với thị trường Ấn Độ. Ngay từ những ngày đầu cho đến hôm nay, chúng tôi xem Ấn Độ là một trong những thị trường quan trọng và chiến lược nhất. Dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi không bao giờ rời khỏi Ấn Độ và sẽ tiếp tục công việc kinh doanh của mình tại đây” - Jay Chen, Phó Chủ tịch Huawei khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ duy trì hoặc thay đổi quyết định của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump đối với Huawei, cũng như đối với công nghệ của Trung Quốc. Dưới thời ông Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa nhiều cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ vào danh sách đen, gồm Huawei. Washington đồng thời đẩy mạnh can thiệp ngoại giao nhằm ngăn chặn rủi ro về an ninh do công nghệ Trung Quốc mang lại, cũng như kiềm chế tham vọng sử dụng công nghệ để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Do đó, giới phân tích cho rằng quyết định của 2 nước về Huawei không chỉ có ý nghĩa đối với tương lai quan hệ Trung - Ấn hoặc quan hệ Mỹ - Trung mà còn đối với cả quan hệ Mỹ - Ấn.

Ấn Độ không “mặn mà” với Huawei

Trong khi Huawei có thể dễ dàng bị thay thế trong phân khúc hàng tiêu dùng khi chỉ chiếm 2,5% thị phần điện thoại di động ở Ấn Độ, việc tách Huawei ra khỏi mảng viễn thông có vẻ phức tạp hơn nhiều. Một số nhà mạng lớn phụ thuộc vào thiết bị mạng 4G do Huawei cung cấp, gồm Bharti Airtel và Vodafone Idea, nắm 55% thị phần trong thị trường viễn thông không dây Ấn Độ. Bất chấp việc liệu Huawei có tham gia vào lĩnh vực 5G của Ấn Độ hay không, Bharti Airtel năm 2018 đã tiến hành thử nghiệm mạng 5G đầu tiên ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới, sử dụng thiết bị của Huawei. Trong khi đó, Vodafone Idea cũng đã công bố hợp tác với Huawei, ZTE (Trung Quốc), Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) để thử nghiệm mạng 5G.

Các chuyên gia tin rằng Huawei thâm nhập vào thị trường Ấn Độ là kết quả của các cuộc đàm phán khéo léo, cam kết giá thấp cùng với chương trình trả nợ dài hạn dành cho Bharti Airtel và Vodafone Idea. Mặt khác, thiết bị của Huawei cũng được xem là rẻ và vượt trội so với thiết bị của các công ty châu Âu. Theo giới phân tích, bất kỳ lệnh cấm nào của Ấn Độ nhằm vào các nhà cung cấp Trung Quốc, gồm Huawei và ZTE, đều có thể khiến chi phí mua sắm thiết bị “đội” lên 15-20%, bởi thiết bị của Ericsson hay Nokia thường đắt hơn. Đáng chú ý, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, Sunil Mittal, Chủ tịch Bharti Airtel tuyên bố: “Các sản phẩm của Huawei trong lĩnh vực 3G và 4G vượt trội đáng kể so với của Ericsson và Nokia”.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Hiệp hội các nhà khai thác di động của Ấn Độ (COAI), trong đó Bharti Airtel và Vodafone Idea là thành viên, nhiều lần ủng hộ Huawei. Đơn cử, hồi tháng 12-2018, sau khi Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Thiết bị và Dịch vụ Viễn thông Ấn Độ cho rằng nên cấm thiết bị của Huawei vì lý do an ninh quốc gia, COAI đã gửi thư tới Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT), lập luận rằng Huawei “phù hợp” trong việc xây dựng mạng 5G và luôn tuân thủ các yêu cầu của chính phủ. Đến tháng 12 năm ngoái, DoT đã gửi đi một bức thư khác, yêu cầu miễn thuế nhập khẩu đối với các nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc, gồm Huawei và ZTE.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Chính phủ Ấn Độ dường như không “mặn mà” với Huawei. Hãng tin Reuters cho biết DoT đã yêu cầu các nhà khai thác viễn thông trong nước mua thiết bị di động từ những kênh được chính phủ phê duyệt, trong khi các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc, cụ thể là Huawei và ZTE, sẽ bị cấm do những quan ngại về an ninh quốc gia. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 15-6 tới này cũng nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất nội địa Ấn Độ tăng cường chế tạo thiết bị viễn thông.

Tái thiết lập Đối thoại An ninh nội địa Mỹ - Ấn

Mỹ và Ấn Độ ngày 23-3 đã nhất trí tái thiết lập cơ chế đối thoại an ninh nội địa giữa hai nước, vốn bị gián đoạn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Đây là kết quả cuộc làm việc giữa Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas và Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu.


TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, The Hindu Business Line)

Chia sẻ bài viết