16/03/2018 - 15:27

Hàn Quốc khuếch trương quyền lực mềm tại Trung Đông 

Theo báo The Diplomat, hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế đang thay đổi, không chỉ nổi lên như một cường quốc về đổi mới công nghệ mà còn là quê hương của các thần tượng âm nhạc. Do đó, “xuất khẩu” văn hóa nhạc Hàn (hay Hallyu) là một công cụ “quyền lực mềm” kinh điển mà Seoul đã tận dụng hiệu quả để khuếch trương ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và gần đây nhất là tại Trung Đông.

Các thành viên của một câu lạc bộ người hâm mộ Kpop trong một buổi sinh hoạt tại công viên Zabeel ở Dubai (UAE). Ảnh: Yonhap

Theo tờ báo trên, thuật ngữ “Hallyu” - tức “Làn sóng Hàn Quốc” - được tạo ra từ cuối những năm 1990 khi lợi ích toàn cầu của Hàn Quốc gia tăng nhờ truyền bá văn hóa nước nhà ra thế giới thông qua âm nhạc, các bộ phim truyền hình và phim điện ảnh. Hallyu đầu tiên lan nhanh tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á tới nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Hallyu thứ hai diễn ra vào năm 2012 và tiếp cận khán giả từ khắp nơi trên thế giới - trong đó có Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ. Một sự kiện đáng chú ý thời điểm đó là bài hát “Gangnam Style” của ca sĩ Psy đã giúp nhạc trẻ Hàn Quốc (Kpop) lọt vào bảng xếp hạng Billboard Top 100 của Mỹ và bảng xếp hạng Top 40 Singles Chart của Anh. Cơn sốt “Gangnam Style” trên toàn cầu cũng giúp ích đáng kể cho việc quảng bá ẩm thực, ngôn ngữ, văn chương và văn hóa truyền thống Hàn Quốc ra thế giới.

Tính đến năm 2013, có 987 tổ chức ủng hộ Hallyu và thu hút 9 triệu thành viên trên toàn thế giới. Đặc biệt tại Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), những tổ chức này chủ yếu hoạt động tại các trường đại học. Thông qua những câu lạc bộ yêu mến đất nước Hàn Quốc, các sinh viên UAE thường chia sẻ sở thích xem phim, nghe nhạc, thời trang, văn hóa ẩm thực và ngôn ngữ của xứ sở kim chi. Đây là thí dụ điển hình cho thấy thanh niên UAE say mê văn hóa Hàn Quốc.

“Làn sóng Hàn Quốc” thứ hai không chỉ đưa Kpop trở thành tâm điểm chú ý ở Trung Đông, mà còn giúp tăng cường ảnh hưởng của văn hóa, con người và hoạt động kinh doanh của Hàn Quốc ở nước ngoài. Theo đó, Hallyu khiến người Trung Đông cảm thấy thân quen với đất nước và con người Hàn Quốc, từ đó thu hút họ đến thăm xứ kim chi ngày càng nhiều. Những sản phẩm phụ ăn theo các bộ phim truyền hình và Kpop còn là kênh quảng bá hữu hiệu cho ngôn ngữ, ẩm thực, văn hóa và du lịch Hàn Quốc ở các nước Trung Đông.

Nhờ nhu cầu mua các sản phẩm Hàn Quốc ngày càng tăng, mối quan hệ kinh tế giữa UAE và Hàn Quốc cũng ngày một phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn như phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho UAE, trong khi nhu cầu về các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp ôtô và điện tử của Hàn Quốc cũng gia tăng đáng kể trong thập niên qua. Theo hãng sản xuất mỹ phẩm Hàn Quốc Mizon Creative Beauty Lab, nhu cầu mỹ phẩm Hàn Quốc tại UAE đã tăng 300% kể từ năm 2012, nhờ ảnh hưởng của Hallyu. Người dân UAE hiện dễ dàng mua được hàng hóa Hàn Quốc tại các cửa hàng nội địa.

Về phần mình, UAE có thể mở rộng nguồn nhập khẩu và phòng ngừa thiếu lương thực, khi mà 90% thực phẩm của nước này là được nhập khẩu. Được biết, Hàn Quốc đã có được chứng nhận Halal của UAE. Đây là loại giấy tờ xác nhận sản phẩm nhập khẩu không chứa thành phần bị cấm theo luật Hồi giáo, giúp Hàn Quốc có thể gia tăng lượng hàng thực phẩm xuất sang UAE.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết