Thổ Nhĩ Kỳ vừa khánh thành đường hầm xe lửa xuyên lòng biển đầu tiên trên thế giới nối liền hai lục địa Á-Âu, một công trình giúp hiện thực hóa giấc mơ có từ thời Đế quốc Ottoman cách đây khoảng 150 năm, bất chấp những rủi ro khó lường trước.
Đường hầm có tên Marmaray, được mở cửa giới thiệu ra công chúng nhân dịp kỷ niệm 90 năm Quốc khánh Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua eo biển Bosphorus nối Hắc Hải và biển Marmara, giữa phần lãnh thổ châu Á và phần lãnh thổ châu Âu của thành phố Istanbul. Công trình trị giá 2,8 tỉ USD dài 13,6 km, bao gồm đoạn đường hầm dài 1,4 km nằm sâu 60 m dưới mặt biển, sẽ phục vụ cư dân của thành phố lớn nhất châu Âu (dân số 15 triệu người) bằng hệ thống xe điện ngầm, tàu cao tốc chở khách và tàu vận tải hàng hóa. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Marmaray sẽ phát triển thành một tuyến giao thương quan trọng, tiếp đón 1,5 triệu hành khách mỗi ngày, giải tỏa áp lực tắt nghẽn giao thông của Istanbul, đặc biệt ở hai cây cầu nối đôi bờ thành phố.
Được khởi công từ năm 2005 nhưng công trình bị trì hoãn do phát hiện một số di chỉ khảo cổ quan trọng, bao gồm một cảng Byzantine từ thế kỷ thứ 4. Nhiều người lo ngại Marmaray có thể ảnh hưởng bởi động đất do nó nằm trên khu vực chỉ cách đoạn đứt gãy Bắc Anatolia 20 km. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Binali Yildirim cho biết nó được thiết kế với khả năng chống chịu động đất mạnh tới 9 độ Richter, đồng thời khẳng định: "Đây là nơi an toàn nhất Istanbul".
Đường hầm Marmaray là một trong những "siêu dự án" của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nhằm thay đổi diện mạo của đất nước. Đầu năm nay, Ankara công bố kế hoạch xây dựng phi trường lớn nhất thế giới tại Istanbul, có khả năng phục vụ 150 triệu lượt khách mỗi năm. Nó được kỳ vọng sẽ soán ngôi Hartsfield-Jackson ở Atlanta (Mỹ) trở thành sân bay sầm uất nhất thế giới.
Trước đó, năm 2011, ông Erdogan cũng thông báo một dự án đầy tham vọng xây dựng Kênh đào Istanbul khai thông eo biển Bosphorus, một trong những con đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Kênh đào Istanbul (dài 45 km, rộng 145 mét và sâu 25 mét) hình thành sẽ cạnh tranh với Kênh đào Panama và Kênh đào Suez của Ai Cập. Ngoài ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn đang ấp ủ các dự án xây dựng một đường hầm dành riêng cho ôtô và cây cầu thứ 3 đi qua eo biển Bosphorus.
Theo Hãng tin Anh Reuters, các dự án đồ sộ của Thủ tướng Erdogan dù nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế, song cũng gây nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng chính phủ đang lao vào những kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng quá tốn kém mà không tham khảo ý kiến công chúng, phần nào dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình đẫm máu từ hồi đầu tháng 6. Họ cảnh báo những dự án khổng lồ này có thể gây ra những thảm họa thiên nhiên không thể lường trước tại Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những quốc gia thường xuyên động đất nhất thế giới. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia dự báo nước này sẽ gánh thêm ít nhất 180 tỉ USD nợ công và làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách mà theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế là hiện ở mức 7% GDP.
THANH TRÚC (Theo Reuters, AP, Business Insider)