27/11/2011 - 10:35

Eurozone một lần nữa cầu cứu IMF

Các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro (Eurozone) lại tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhờ trợ giúp các nước đang lâm vào cảnh khốn khó khi lãi suất trái phiếu chính phủ của Ý và Tây Ban Nha tăng cao kỷ lục, còn Bỉ thì bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) của Mỹ hạ mức tín nhiệm từ AA+ xuống còn AA.

 

Trong cuộc họp ở Berlin (Đức) tối 25-9, các bộ trưởng tài chính Đức, Phần Lan và Hà Lan thậm chí đã nghĩ tới viễn cảnh tăng cường vai trò cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nếu tất cả các biện pháp giải cứu đồng euro thất bại. Nhưng họ không cho rằng đó là một giải pháp khẩn cấp.

Cuộc thảo luận, chuẩn bị cho cuộc họp của 17 nước thành viên Eurozone tại Thủ đô Brussels của Bỉ ngày 29-11, diễn ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng chính phủ trung hữu mới của Tây Ban Nha có thể sớm yêu cầu gói cứu trợ từ cả IMF và Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Lãi suất vay mượn của nước này đã tăng vọt lên mức cao nguy hiểm 6,7%. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao thuộc Đảng Nhân dân cho rằng thông tin chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ cầu cứu bên ngoài là không chính xác.

Trong khi đó Bỉ - nước gặp khó trong việc thực thi cắt giảm chi tiêu sau 18 tháng không có chính phủ, đã bị hạ mức tín dụng từ AA+ xuống AA sau khi S&P nói chính phủ tạm quyền của ông Yves Leterme thiếu sự ủy nhiệm để đối phó với khủng hoảng. “Chúng tôi nghĩ rằng khả năng ngăn chặn nợ công gia tăng của chính phủ Bỉ, vốn đã ở mức cao, bị cản trở bởi sự cắt giảm chi tiêu đồng loạt ở bộ phận tư nhân trong nước lẫn các đối tác thương mại chủ chốt của Bỉ”, S&P giải thích lý do hạ mức tín nhiệm của Bỉ. Lãi suất trái phiếu của Bỉ đang ở mức cao, 5,85% và dự báo có nguy cơ tăng trên 6% trong phiên giao dịch ngày mai (28-11). “Tôi nghĩ Bỉ sẽ nằm trong chương trình mua trái phiếu của ECB... Tôi không biết họ có thể tránh được điều đó như thế nào khi mà lãi suất trái phiếu đang tiến sát mức 6%”, một nhà đầu tư nhận định.

Trong cuộc thảo luận tại Berlin, bộ trưởng tài chính của 3 nền kinh tế ổn định nhất Eurozone cho rằng IMF và EFSF có thể giúp các nước vượt qua các vấn đề liên quan đến khả năng thanh khoản, chứ không phải khả năng trả nợ. IMF từng tăng mức tín dụng phòng ngừa đối với các nước có nguy cơ gặp rắc rối. Trong khi đó, EFSF được cho có thể lấp đầy khoảng cách tài trợ nếu các nước đang lâm nguy như Ý và Tây Ban Nha hoàn toàn đánh mất lòng tin của thị trường và tiến gần bờ vực phá sản.

Được biết, nguồn quỹ 440 tỉ euro của EFSF hiện còn khoảng 220 tỉ euro nhưng dự kiến sẽ tăng lên gần 1.000 tỉ euro khi các nước châu Âu nhóm họp và thông qua kế hoạch tăng cường nguồn quỹ vào 29-11. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia dự báo EFSF sẽ chỉ có thể huy động nhiều nhất là 750 tỉ euro do thiếu lòng tin trong thị trường tài chính.

T.TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết