12/11/2008 - 08:16

EU "xuống thang" với Nga

Các Ngoại trưởng EU tại hội nghị ở Brussels. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 10-11, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý nối lại đàm phán với Nga về Hiệp định hợp tác và đối tác chiến lược mới, tạm gác lại 3 tháng căng thẳng với Mát-xcơ-va xung quanh cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia hồi đầu tháng 8. Quyết định trên dự kiến sẽ được chính thức thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Nga- EU ở Nice (Pháp) vào ngày 14-11 tới.

Ngoại trưởng Pháp Benard Kouchner thừa nhận vẫn còn hoài nghi về việc liệu Mát-xcơ-va có đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong thỏa thuận kết thúc xung đột ở Gruzia hay chưa, nhưng việc 26/27 quốc gia thành viên EU nhất trí khôi phục đàm phán là “biểu hiện không tệ” về sự đoàn kết của khối này. Thành viên duy nhất của EU không chấp nhận khôi phục đàm phán với Nga là Litva, vì nước này cho rằng Mát-xcơ-va không tuân thủ các điều khoản của EU về việc rút quân trở lại các vị trí như trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia. Thế nhưng, ông Kouchner cho rằng sự phản đối của Litva không có tác dụng và quyết định đàm phán với Nga không nhất thiết phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Đáng chú ý là một số nước trong EU từng có đường lối cứng rắn trong quan hệ với Nga như Anh và Ba Lan, cũng thay đổi thái độ, chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng với Mát-xcơ-va.

Các nhà phân tích cho rằng, việc nối lại đàm phán là vì Nga và EU rất cần nhau về mặt kinh tế, đặc biệt khi cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu đang làm nổi lên những ưu tiên mới. Cải thiện quan hệ với Nga, thành viên Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8), có thể giúp EU thuận lợi hơn trong việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu. Chính vì vậy mà Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hiện là chủ tịch luân phiên EU, dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev để trao đổi về vấn đề này bên lề hội nghị thượng đỉnh Nga-EU, trước khi cả hai tham dự hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Washington ngày 15-11. Mặt khác, EU đang lệ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt nhập khẩu. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, trong khi EU là nhà đầu tư lớn nhất tại Nga.

Quyết định của các nước EU đã làm “vỡ mộng” của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili về một “chỗ dựa” vững chắc trong cuộc đối đầu với Nga. Nicu Popescu, nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, cho rằng đối với EU, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu quan trọng hơn cuộc xung đột Nga- Gruzia. EU không thể vì một đồng minh nhỏ bé như Gruzia mà làm căng với Nga để gánh lấy thiệt thòi về mình.

NGUYỄN MINH (Theo NYT, Guardian, IHT)

Các Ngoại trưởng EU tại hội nghị ở Brussels. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết