26/11/2021 - 20:53

EU đề xuất thời hạn hiệu lực đối với chứng nhận tiêm chủng 

 Nhiều nước hạn chế người nhập cảnh từ một số quốc gia châu Phi

Ủy ban châu Âu ngày 25-11 đã đưa ra đề xuất chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có hiệu lực trong vòng 9 tháng sau mũi tiêm thứ 2. Chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 (ảnh) cho phép công dân của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đi lại tự do trong khối.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reynders đã công bố đề xuất trên, nêu rõ quá thời hạn 9 tháng, chứng nhận sẽ không còn hiệu lực nếu không tiêm mũi vaccine tăng cường. Thời hạn trên được đưa ra theo đúng hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (ECDC) về việc tiêm mũi tăng cường 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 và có thêm 3 tháng để các nước điều chỉnh chiến dịch tiêm chủng. 

Theo Ủy ban châu Âu, thời hạn hiệu lực đối với chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ đảm bảo cách tiếp cận phối hợp về hoạt động đi lại trong khối. Bất kỳ người nào có chứng nhận hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 9 tháng đều có thể đi lại tự do trong EU, bất kể đến từ đâu. 

 Trong khi đó, Singapore ngày 26-11 đã quyết định thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 7 quốc gia châu Phi (Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe), đề phòng biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn vừa phát hiện tại khu vực này.  Quy định này cũng áp dụng đối với cả những người đã được cấp phép nhập cảnh Singapore từ các quốc gia khác nhưng có lịch sử tới các quốc gia trên. Các công dân và thường trú nhân Singapore về nước từ các quốc gia trên sẽ phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở cách ly chỉ định.

Nhật Bản cùng ngày cũng đã quyết định siết chặt kiểm soát biên giới đối với các trường hợp nhập cảnh đến từ Nam Phi và 5 nước châu Phi khác sau khi phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại châu lục này. 

Một ngày trước đó, Anh cũng đã cấm nhập cảnh tạm thời đối với các chuyến bay từ Nam Phi và một số nước láng giềng của nước này. 

Ngày 26-11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về mức độ nguy hiểm của biến thể mới có tên B.1.1.529 cũng như tác dụng của thuốc điều trị và các vaccine hiện có đối với biến thể này.

HƯƠNG GIANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết