12/07/2009 - 22:05

Đồng đô-la Mỹ bị thách thức

Đô-la Mỹ sẽ tiếp tục giữ vị trí đồng tiền số 1 thế giới?

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8, gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nga) ở Ý hồi cuối tuần rồi, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tấn công sự thống trị của đô-la Mỹ (USD) đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu, đồng thời giục phải sớm có sự thay đổi. Ông chỉ trích hệ thống tiền tệ hiện tại đã lỗi thời, và là kết quả của sự chi phối về chính trị- kinh tế của Mỹ sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai.

Cùng ngày 10-7, tại hội nghị cấp cao G8 và G5 (Nhóm các nước đang phát triển lớn nhất thế giới, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi), Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc khẳng định hệ thống tiền tệ quốc tế cần được đa dạng hóa hơn nữa. Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Nga vào trung tuần tháng 6, các nhà lãnh đạo BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) cũng đã kêu gọi làm giảm vai trò của USD. Các nước này, chiếm 15% GDP và 42% dự trữ ngoại hối toàn cầu, cho rằng sự thống trị của USD trong vai trò đồng tiền dự trữ và đồng tiền thanh toán là yếu tố gây mất ổn định đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trật tự kinh tế thế giới thay đổi trong những năm gần đây đã khiến một số nền kinh tế đang lên tìm cách đưa đồng nội tệ của mình trở thành đồng tiền dự trữ, nổi bật là Nga và Trung Quốc.

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 13 hồi thượng tuần tháng 6 vừa qua, Phó thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov tuyên bố trong thời gian tới, đồng rouble Nga có thể trở thành đồng tiền dự trữ tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), sau đó mở rộng ra tới Trung Quốc, Ấn Độ và các nước A-rập.

Nếu như Mát-xcơ-va chỉ mới đặt mục tiêu mà chưa có bước đi cụ thể nào để quốc tế hóa đồng rouble thì Bắc Kinh đang ráo riết chuẩn bị cho việc đưa Nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền toàn cầu. Từ ngày 6-7, các ngân hàng tại Trung Quốc đại lục và Hồng Công đã bắt đầu giao dịch trực tiếp bằng NDT trong thanh toán xuất nhập khẩu. Trước đó, Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng trung ương Hồng Công, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Belarus và Argentina thanh toán bằng NDT với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Các công ty tư nhân tại một số thành phố lớn của Trung Quốc cũng được giao dịch bằng NDT với đối tác đến từ Hồng Công, Ma Cao và các nước Đông Nam Á.

Những chỉ trích của nhiều nước nhằm vào sự thống trị của USD trong nền kinh tế thế giới cùng các bước đi của Trung Quốc cho thấy vị thế của đồng bạc xanh đang bị thách thức. Tuy nhiên, USD bị “lật đổ” có lẽ là điều chưa thể xảy ra trong tương lai gần. Một báo cáo công bố hồi tuần rồi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết USD đang tiếp tục giữ vị trí đồng tiền dự trữ số 1 thế giới. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nhưng đến cuối năm ngoái, USD vẫn chiếm tới 64% dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Đồng tiền chung châu Âu (euro) đứng thứ hai với 26,5%, kế đến là đồng yen Nhật, 3,3%.

LÊ DÂN (Theo Dow Jones, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết