Quan tâm sâu sắc tới những bước cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, ngày 16-7, 22 nhân vật cộm cán ở Đông Âu, trong đó có các cựu Tổng thống Lech Walesa của Ba Lan và Vaclav Havel của CH Czech, đã gởi thư tới chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, kêu gọi Washington đừng bỏ quên các đồng minh ở khu vực.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush đã ký thỏa thuận về việc triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và đặt hệ thống radar tại Czech. Tuy nhiên, kế hoạch bị trì hoãn một phần do sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Mát-xcơ-va dọa sẽ triển khai tên lửa tới gần biên giới giáp Ba Lan nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch trên. Lên nắm quyền vào đầu năm nay, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ nghiên cứu lại kế hoạch này một cách cẩn trọng. Do vậy mà các cựu lãnh đạo Đông Âu cho rằng việc Washington từ bỏ lá chắn tên lửa hoặc để Nga có vai trò quá lớn đối với hệ thống này có thể “làm giảm sự tin cậy vào Mỹ ở khắp khu vực”.
Trong khi hệ thống lá chắn tên lửa chưa có bước tiến triển nào, Mỹ lại muốn tái khởi động quan hệ với Nga. Chuyến thăm Nga hôm 6-7 của Tổng thống Obama khiến các đồng minh Đông Âu càng thêm lo lắng. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã nhất trí về thỏa thuận khung gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn I (START I).
Nhà phân tích Angela Stent tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng ý định của chính quyền Mỹ đối với các đồng minh Đông Âu chưa hoàn toàn rõ ràng, cho tới nay người ta chỉ mới nghe nói về chính sách đối với Nga chứ chưa nghe nói về chính sách dành cho các nước láng giềng của Nga. Trong khi Mỹ cần có sự hỗ trợ của Nga để giải quyết các vấn đề từ Afghanistan, Iran cho tới CHDCND Triều Tiên, thì các nước được gọi là châu Âu mới khó có thể là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga và các nước Đông Âu bắt đầu xuất hiện nhiều căng thẳng, nhất là từ sau cuộc cách mạng nhung tại Ukraina năm 2004. Việc một số nước vùng Balkan, Kavkaz, Đông và Trung Âu lần lượt gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến mâu thuẫn với Nga ngày càng sâu sắc. Tháng 8-2008 đã xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Gruzia tại Nam Ossetia. Hàng loạt cuộc chiến thương mại cũng diễn ra giữa Nga với các nước láng giềng, mà gần đây nhất là vụ Mát-xcơ-va cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraina hồi đầu năm nay.
Những gì đang diễn ra xác nhận sự lo ngại của các nước Đông Âu là có thật. Song các nhà phân tích cho rằng sự lo ngại ấy là điều không tránh khỏi bởi lẽ mối quan hệ lợi ích Mỹ - Đông Âu - Nga giờ đây đã đảo chiều.
N.MINH (Theo NYT, Reuters, AFP)