29/08/2011 - 09:28

Đòn giáng mới vào al-Qaeda

Ngày 27-8, các quan chức Mỹ thông báo thủ lĩnh số hai của al-Qaeda đã bị tiêu diệt và xem đây là “cú đấm” mạnh kế tiếp vào tổ chức khủng bố quốc tế, sau cái chết của Osama bin Laden gần 4 tháng trước.

 

Hãng tin AP dẫn lời một quan chức quân sự giấu tên cho biết Atiyah Abdul Rahman (ảnh), người Libye, đã thiệt mạng trong đợt không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực bộ tộc Bắc Waziristan hôm 22-8. Ông này cho rằng Rahman là nhân vật “nòng cốt” được tin cậy hàng đầu của al-Qaeda, có kinh nghiệm và khả năng độc nhất mà tổ chức khủng bố này không dễ tìm người thay thế. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin được tiết lộ về cuộc không kích giết chết Rahman.

Vài tuần sau khi bin Laden bị tiêu diệt, một số nhà phân tích cho rằng Rahman, khoảng 35 tuổi, là một trong những ứng viên thay thế. Trong 3 tháng trước khi chết, bin Laden thường xuyên tiếp xúc với Rahman. Nhưng cuối cùng, Ayman Zawahiri, người Ai Cập, được chọn làm thủ lĩnh mới. Tuy nhiên, y bị xem là nhân vật gây chia rẽ, thiếu uy tín và tầm vóc. Vì vậy, vai trò của Rahman vẫn rất quan trọng trong al-Qaeda. Nhân vật này được xem như một chuyên gia thuốc nổ và học giả đạo Hồi. Rahman đảm nhận công việc của một chỉ huy liên lạc các nhánh al-Qaeda ở Iraq và đang dành nhiều thời gian để tăng cường gây dựng tổ chức ở Algerie. Y cũng là mắt xích quan trọng liên kết các phần tử nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni ở Iran và có thể gần đây đã đảm trách luôn vai trò phụ trách tài chính của al-Qaeda.

Các quan chức Mỹ mô tả cái chết của Rahman đặc biệt quan trọng khi so sánh với các nhân vật cấp cao khác của al-Qaeda đã bị tiêu diệt. Omar Ashour, chuyên gia về Hồi giáo cực đoan tại Đại học nghiên cứu Trung Đông Exeter, cho rằng giết chết Rahman là xóa được một trong những nhân vật còn lại duy nhất trong giới lãnh đạo al-Qaeda có thể làm cả nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần và chỉ huy hoạt động. Tác động từ cái chết của Rahman đối với al-Qaeda là rất lớn, bởi nó có thể hủy hoại cơ cấu trung tâm của tổ chức này.

Cái chết của Rahman chắc chắn làm tăng thêm tin tưởng trong giới chức Mỹ về khả năng tiêu diệt al-Qaeda. Giám đốc sắp nhậm chức Cục Tình báo Trung ương (CIA) David Petraeus hồi tháng rồi cho rằng: “Những sự kiện gần đây mở ra triển vọng về khả năng thất bại chiến lược của al-Qaeda”. Trung tướng Douglas Lute, trợ lý đặc biệt của tổng thống Mỹ về Afghanistan và Pakistan, hồi tháng 7 cũng tuyên bố Washington đang đẩy mạnh tấn công các mục tiêu bí mật ở Pakistan từ sau cái chết của bin Laden, tin tưởng là al-Qaeda có thể bị diệt từ “đòn giáng” quyết định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cảnh báo al-Qaeda vẫn còn khả năng giáng trả vào Mỹ. Tháng trước, Michael Leiter, người vừa từ chức giám đốc trung tâm chống khủng bố của Mỹ, cho rằng dù giới lãnh đạo và cơ cấu của al-Qaeda ở Pakistan đang “chỉ mành treo chuông, nhưng tổ chức cốt lõi vẫn còn ở đó và có thể tiến hành một số cuộc tấn công”. Giáo sư Ashour cũng nhận định rằng các chi nhánh của al-Qaeda ở các nước đã có thể hoạt động như các đơn vị độc lập và tự tuyển mộ thành viên mới.

THÁI BÌNH (Theo WSJ, LA Times, NYT)

Chia sẻ bài viết