27/09/2011 - 08:57

Cánh tả kiểm soát Thượng viện Pháp:

"Đòn giáng" kế tiếp với ông Sarkozy

Chính quyền cánh hữu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (ảnh) đã mất thế đa số tại Thượng viện về phe cánh tả, một thất bại lịch sử và là “đòn giáng” mạnh với ông khi chỉ còn 7 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Kết quả cuộc bầu cử hôm 25-9 cho thấy các ứng viên cánh tả đã lấy 23 ghế từ Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền và chiếm đa số tuyệt đối tại Thượng viện. Đảng Xã hội (SP) đối lập cùng với các đồng minh là đảng Xanh và đảng Cộng sản giành được 177 trong số 348 ghế. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập nền Đệ ngũ Cộng hòa năm 1958, Thượng viện Pháp không do cánh hữu kiểm soát. Giới quan sát cũng dự đoán lạc quan rằng thắng lợi này có thể mở ra khả năng SP có thể đạt cú “hat-trick”, tiếp tục giành thắng lợi cả ở cuộc bầu cử tổng thống cũng như Hạ viện vào năm tới.

Bầu cử Thượng viện không phải là cơ sở tốt nhất để đánh giá về sự ủng hộ của cử tri, vì dân Pháp không trực tiếp đi bỏ phiếu mà là do khoảng 72.000 thị trưởng và các thành viên hội đồng địa phương và khu vực bầu chọn. Ngoài ra, UMP vẫn còn chiếm đa số ở Hạ viện, nơi có tiếng nói quyết định về các dự luật mới. Tuy nhiên, một Thượng viện đối lập có thể gây khó khăn cho tổng thống trong việc thông qua các chính sách mới, nhất là khi ông Sarkozy có kế hoạch đưa quy định cân bằng nợ với ngân sách vào hiến pháp, một thay đổi cần sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ.

Sau thành công hôm 25-9, SP sẽ tự xác định người nắm chiếc ghế chủ tịch Thượng viện. Theo hiến pháp năm 1958 của Pháp, chủ tịch Thượng viện sẽ thay thế tổng thống trong trường hợp bị tước quyền hoặc từ nhiệm, sự kiện từng xảy ra 2 lần: vào năm 1969 khi Tướng Charles de Gaulle từ chức và vào năm 1974 khi Tổng thống Georges Pompidou chết lúc đương nhiệm. Chủ tịch Thượng viện cũng có quyền đề cử người vào các cơ quan quan trọng của chính phủ.

Vài tháng qua, tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy tăng nhẹ trở lại nhờ những thành tựu trong chính sách đối ngoại, nổi bật là vai trò của Paris trong chiến dịch phế truất nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi. Theo khảo sát của hãng Ifop, tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy từ 30% hồi tháng 4 đã tăng lên 37% trong tháng 9, cao nhất trong một năm qua. Thế nhưng Sarkozy vẫn là một trong những tổng thống Pháp không được yêu thích nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai khi có tới 63% người được hỏi thất vọng về cách điều hành của ông. Cử tri xứ gà trống Gaulois không hài lòng về viễn cảnh kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng nợ châu Âu tác động tới tài chính công của Pháp. Bên cạnh đó, những người bạn, đồng minh và bản thân ông Sarkozy đang dính vào hàng loạt vụ bê bối. Gần đây nhất, 2 trong số những người bạn thân thiết của ông đã bị điều tra trong vụ nhận lại quả từ các thương vụ bán vũ khí cho Pakistan 17 năm trước. Ông Sarkozy cũng dính vào vụ bê bối gây quỹ tranh cử của cựu Thủ tướng Edouard Balladur năm 1995, trong vai trò là người quản lý chiến dịch vận động.

Bầu cử tổng thống Pháp diễn ra với 2 vòng bỏ phiếu và tất cả các khảo sát hiện nay cho thấy ông Sarkozy sẽ giành được khoảng 25% phiếu bầu ở vòng đầu tiên, trong khi ông Francois Hollande của SP được khoảng 30% và Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Marine Le Pen về thứ ba với 20%.

THÁI BÌNH
(Theo WSJ, NYT, Reuters)

THÁI BÌNH (Theo WSJ, NYT, Reuters)

Chia sẻ bài viết