07/06/2023 - 19:53

Đối phó Trung Quốc, Mỹ phóng một loạt vệ tinh 

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Lực lượng Không gian Mỹ có kế hoạch phóng chùm vệ tinh Silent Barker trong hè này để theo dõi các phương tiện không gian đáng lo ngại của Trung Quốc và Nga, bước đi mới nhất trong cuộc cạnh tranh bên ngoài Trái đất đang rộ lên giữa những siêu cường.

Mỹ đang lo ngại về vệ tinh SJ-21 của Trung Quốc. Ảnh: Twitter

Mỹ đang lo ngại về vệ tinh SJ-21 của Trung Quốc. Ảnh: Twitter

Do Lực lượng Không gian Mỹ và Văn phòng Trinh sát Quốc gia (NRO) phát triển, Silent Barker sẽ là mạng lưới đầu tiên bổ sung các cảm biến đặt dưới mặt đất và vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Các vệ tinh này sẽ được đưa lên ở vị trí cách Trái đất khoảng 35.400km và có tốc độ quay tương đương với Địa cầu, còn gọi là quỹ đạo địa đồng bộ (GSO).

“Mạng lưới này sẽ kích hoạt các dấu hiệu và cảnh báo về các mối đe dọa đối với những hệ thống có giá trị cao của Mỹ và cung cấp năng lực tìm kiếm, phát hiện và theo dõi những vật thể từ không gian để kịp thời phát hiện mối đe dọa”, Lực lượng Không gian Mỹ nêu trong thông báo. Lực lượng này và NRO không nói rõ số lượng vệ tinh cấu thành Silent Barker, mà chỉ tiết lộ “sẽ liên quan tới nhiều phương tiện không gian”.

Các cảm biến mặt đất của những vật thể trong GSO bị giới hạn bởi khoảng cách, địa lý và thời tiết nhưng chùm vệ tinh Silent Barker sẽ giải quyết những thiếu sót về khả năng quan sát. Silent Barker dự kiến được phóng sau tháng 7 trên tên lửa đẩy Atlas V.

Lo ngại năng lực không gian của Trung Quốc

Silent Barker là cách Mỹ đối phó trước những nỗ lực của Trung Quốc và Nga trong việc phát triển những hệ thống được phóng vào quỹ đạo và loại bỏ các vệ tinh khác, điều khiến Washington ngày càng lo ngại.

Trong báo cáo về mối đe dọa thường niên hồi đầu năm, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho rằng Trung Quốc sở hữu những vũ khí nhắm vào các vệ tinh của Mỹ và đồng minh, cũng như “những chiến dịch ngoài không gian sẽ là những phần thiết yếu đối với các chiến dịch quân sự của quân đội Trung Quốc”. Đơn cử như vệ tinh SJ-21 được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo vào năm 2021 và sau đó bay đến sát một vệ tinh đã ngừng hoạt động thuộc Hệ thống Định vị Bắc Đẩu. Tiếp theo, SJ-21 tiến hành kéo vệ tinh này ra khỏi GSO rồi “hộ tống” nó bay lên cao hơn, tới quỹ đạo nghĩa địa dành cho các vệ tinh chết, tránh nguy cơ gây ảnh hưởng hoặc va chạm với vệ tinh đang hoạt động.

Tuy nhiên, khi điều trần trước Quốc hội hồi tháng 3-2023, Tướng James Dickinson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, cảnh báo rằng “vệ tinh SJ-21 rõ ràng có thể giữ một vai trò ngoài không gian và đe dọa các vệ tinh GSO của chúng ta”. Do vậy, Lực lượng Không gian Mỹ xác định SJ-21 là dạng vệ tinh mà Silent Barker sẽ theo dõi.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn có Sijian-17, vệ tinh với cánh tay robot có thể được dùng để tóm lấy các vệ tinh khác, theo báo cáo năm ngoái của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Khởi đầu của cuộc chạy đua diệt vệ tinh là vào năm 2007 khi Trung Quốc bắn hạ một vệ tinh thời tiết của nước này bằng tên lửa. Tính đến tháng 3-2023, quân đội Trung Quốc đã phóng tổng cộng 347 vệ tinh và toàn bộ chúng đều có thể thu thập thông tin tình báo của các lực lượng vũ trang Mỹ, theo Tướng Chance Saltzman, Tham mưu trưởng Lực lượng Không gian Mỹ. Về phần mình, lâu nay Trung Quốc khẳng định chương trình không gian của họ nhằm mục đích hòa bình.

Bên cạnh đó, Mỹ còn cho rằng Nga hiện thử nghiệm và triển khai các vũ khí diệt vệ tinh, tăng cường năng lực mạng và tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất. Đồng thời, Mát-xcơ-va cũng nghiên cứu công cụ phá sóng điện tử, laser và những công nghệ có thể “tác động vật lý” đối với các tài sản của Mỹ và những nước khác trên quỹ đạo.

Chia sẻ bài viết