Trung Quốc đang lợi dụng các hoạt động gián điệp và can thiệp nước ngoài để “thao túng” hệ thống chính trị Úc, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Úc (ASIO) Duncan Lewis cảnh báo.

Ảnh: AAP
Ông Lewis (ảnh) lãnh đạo ASIO từ năm 2014 và vừa nghỉ hưu vào tháng 9 năm nay. Từng đảm nhiệm các vị trí quân sự cấp cao và là cựu đại sứ Úc tại Bỉ cũng như trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Lewis thường xuyên đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của gián điệp nước ngoài nhưng đa phần đều tránh chỉ trích Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn được đăng tải ngày 22-11, ông Lewis cho biết các chiến dịch gián điệp và can thiệp gây ảnh hưởng của Trung Quốc hết sức tinh vi nên khó mà phát hiện trong thời gian ngắn. Thay vào đó, hoạt động “đổ bộ” có thể âm thầm kéo dài trong hàng chục năm và bất kỳ ai trong giới chính trị, xã hội, kinh doanh, truyền thông đều có khả năng trở thành mục tiêu của Bắc Kinh.
Cựu lãnh đạo ASIO cảnh báo Canberra phải hết sức cẩn trọng và có mức độ nhận thức hợp lý đối với nguy cơ nước ngoài ngấm ngầm xâm nhập trung tâm chính trị Úc. Đặc biệt sau tiền lệ hai tỉ phú người Trung Quốc tại Úc bị nghi có mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh và những ảnh hưởng mà họ muốn đạt được với các chính trị gia, giới truyền thông và các trường đại học bản xứ bị phanh phui.
Nhận xét của cựu lãnh đạo ASIO chắc chắn “chọc giận” Trung Quốc khi nước này vẫn luôn phủ nhận các cáo buộc ngầm can thiệp nội bộ Úc, xâm nhập hệ thống máy tính quốc hội và gây ảnh hưởng tại các trường đại học. Đầu tháng này, Trung Quốc cũng đã từ chối đơn nhập cảnh của người đứng đầu Ủy ban tình báo Quốc hội Úc Andrew Hastie và Thượng nghị sĩ James Paterson sau khi hai nhân vật này chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền và cáo buộc can thiệp chính trị.
Theo các nhà phân tích, mối quan hệ Úc-Trung Quốc dựa trên hợp tác cùng phát triển thịnh vượng nhưng điều này bị cho không đủ đối với cường quốc châu Á. Trong đó, các chính sách của Bắc Kinh phục vụ mục tiêu theo đuổi và mở rộng quyền lực sẽ “không bao giờ kết thúc” cho đến khi vấp phải kháng cự. Trong động thái được cho nhắm vào Trung Quốc, một nhóm các trường đại học Úc tuần rồi đã công bố hướng dẫn mới về những biện pháp chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng như hợp tác nghiên cứu, an ninh mạng và quan hệ đối tác quốc tế. Đầu tuần này, cựu Thủ tướng của đảng Tự do Tony Abbott cũng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc bắt nạt láng giềng. Tuy Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, nhưng ông Abbot cảnh báo Canberra đã “quá mạo hiểm” và mối quan hệ với Bắc Kinh khó có thể thoát khỏi tình trạng “hòa bình lạnh”.
Ngược lại, cựu Thủ tướng Công đảng Paul Keating cho rằng Úc nên áp dụng chủ nghĩa hiện thực trong cách tiếp cận Trung Quốc. Đặc biệt, chính trị gia 75 tuổi cảnh báo Canberra cần tránh kịch bản phải lựa chọn ngả theo cường quốc nào khi đồng minh quân sự Mỹ có dấu hiệu rút lui và “nhượng lại” ảnh hưởng trong khu vực. Trong khi đó, giới quan sát nhận định Úc nên tập trung vào tăng trưởng kinh tế, tích cực bảo vệ nền dân chủ trước sự can thiệp của nước ngoài như biện pháp củng cố vị thế trong hợp tác với Trung Quốc.
MAI QUYÊN (Theo Guardian, Sydney Morning Herald)