05/07/2020 - 13:30

Cuộc khủng hoảng tâm thần của người tị nạn Nam Sudan 

Màn đêm buông xuống, Rebecca đóng sập cánh cửa ngôi nhà tạm bợ của mình. Người phụ nữ 29 tuổi ngồi trên chiếc giường 4 đứa con đang ngủ, và khoảng 10 giờ tối hôm đó, chị cố gắng tự kết liễu đời mình. May mắn thay, bọn trẻ thức giấc, tiếng khóc của chúng khiến những người hàng xóm đến kéo Rebecca khỏi bàn tay tử thần.

Rebecca cùng các con tại trại tị nạn Bidibidi. Ảnh: Guardian

Rebecca đến trại tị nạn Bidibidi ở miền Bắc Uganda vào năm 2017, sau khi tháo chạy khỏi cuộc tấn công của các nhóm phiến quân và nạn đói hoành hành tại Nam Sudan. Khi bị chồng bỏ rơi dọc đường, chị cùng các con đến trại tị nạn lớn nhất khu vực và lớn thứ hai toàn cầu này (sau trại tị nạn Kutupalong dành cho người tị nạn Rohingya ở Bangladesh). “Tôi đã thấy hạnh phúc trong lần đầu tiên sau thời gian dài. Không có tiếng súng cũng như không có binh lính” - Rebecca bày tỏ.

Song, cảm giác nhẹ nhõm ban đầu nhạt dần khi cuộc chiến kéo dài cản trở bước đường về nhà của Rebecca. Túng tiền và hứng chịu sự chế giễu vì làm mẹ đơn thân khiến chị cảm thấy bị cô lập. Chị được các nhân viên xã hội tại Bidibidi giới thiệu điều trị với một chuyên gia tâm lý. Sau khi tâm lý được ổn định, Rebecca tham gia chương trình trị liệu hành vi nhận thức kéo dài 10 tuần. Chị học được cách kiểm soát vấn đề của bản thân. Dần dần, sức khỏe và tinh thần được cải thiện. Chị sau đó tham gia hợp tác xã cùng một nhóm phụ nữ, bán tạp hóa, đồng thời chia sẻ cách vượt qua khủng hoảng tâm thần.

Rebecca chỉ là trường hợp điển hình trong số những người tị nạn Nam Sudan bị khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Song, không phải ai cũng may mắn được điều trị như chị. Kể từ khi xung đột nổ ra ở quốc gia châu Phi non trẻ này vào năm 2013, hàng trăm ngàn người đã đến trú ẩn ở vùng Ðông Bắc Uganda. Trong đó, Bidibidi là nơi dừng chân của hơn 232.000 người, đa phần đều sống trong cảnh thất vọng.

Giữa lúc nghèo đói và bạo lực kéo dài ngăn cản người tị nạn quay trở lại Nam Sudan, dữ liệu từ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, tỷ lệ tự tử tại Bidibidi tăng đáng kể trong vòng 3 năm qua. Chỉ riêng trong năm 2018, ít nhất 75 người tị nạn Nam Sudan tại Bidibidi tìm cách hoặc đã kết liễu đời mình. Năm 2019, con số này là 149, dù số người tị nạn giảm. Còn trong 4 tháng đầu năm 2020, số người tị nạn tìm đến cái chết là 80. Ðây quả thực là dấu hiệu đáng báo động về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, trầm cảm và rối loạn liên quan đến tổn thương.

“Họ đã đánh mất quá khứ và không có hy vọng gì ở tương lai. Họ chỉ thấy mình trong tình trạng tuyệt vọng” - Geoffrey Dramani, cộng tác viên của UNHCR, đánh giá. Các chuyên gia lâm sàng cho biết, sự tổn thương về tâm lý do chiến tranh  có thể tạo ra một vòng xoáy lo lắng. Một số người phải đối mặt với bạo lực gia đình, số khác thì sợ người thân bị bỏ lại.

Tại miền Bắc Uganda, các quỹ cứu trợ dành cho người tị nạn đã cho cắt giảm nhiều dịch vụ cơ bản. Vào tháng 4, Chương trình Lương thực Thế giới đã cắt giảm 30% khẩu phần của người tị nạn tại đây khi mức thiếu hụt ngân sách lên tới 136 triệu USD. Không những vậy, đại dịch COVID-19 đã tạo thêm áp lực tâm lý đối với người tị nạn. Lệnh cấm người dân tụ tập của Uganda khiến công tác trị liệu tâm lý theo nhóm bị tạm hoãn. Nó cũng cản trở việc kiếm sống của người tị nạn và khiến trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng khi các trường học đóng cửa.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết