23/05/2020 - 18:17

Đại dịch COVID-19

Cuộc chiến cam go của Ấn Độ 

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hiện đã tăng lên hơn 120.000 người, khiến quốc gia Nam Á vượt qua Trung Quốc trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 11 thế giới và thứ 2 châu Á, sau Iran. 

Người lao động di cư Ấn Độ xếp hàng mua vé tàu hỏa về quê tránh dịch. Ảnh: AP

Ngày 22-5, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 6.500 ca nhiễm mới, số ca nhiễm mới tăng cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Diễn biến phức tạp này cho thấy Ấn Độ vẫn đối mặt với thách thức nặng nề phía trước dù quốc gia Nam Á đang thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới để ngăn chặn virus lây lan.

Ứng phó nhanh, mạnh

Mặc dù ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên từ ngày 30-1 tại bang Kerela  ở miền Nam, là sinh viên trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc, song có thể nói ở giai đoạn đầu, Ấn Độ đã kiểm soát được tình hình lây nhiễm nhờ áp dụng nhanh biện pháp ngăn chặn. Ngày 2-2, Ấn Độ quyết định (có hiệu lực ngay lập tức) hủy tất cả thị thực đã được cấp cho công dân Trung Quốc và những người từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Cuối tháng 2, quy định tương tự được áp dụng đối với công dân Iran và những người từng đến Iran trong vòng 28 ngày…

Biện pháp hạn chế này khiến những nguồn bệnh đầu tiên chỉ xuất hiện tại miền Nam xa xôi của Ấn Độ và không tiếp tục lây lan. Các bệnh nhân đều được chữa khỏi và cuộc sống yên bình tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vẫn kéo dài đến những ngày đầu tháng 3, cho tới khi Ấn Độ liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp dương tính mới, chủ yếu liên quan tới một nhóm du khách đến từ Ý và những người tiếp xúc với họ. Ngày 11-3, Ấn Độ hủy tất cả thị thực đã cấp đối với người nước ngoài và ngày 22-3 chính thức đóng cửa các chuyến bay quốc tế và cấm người nước ngoài nhập cảnh.

Ở trong nước, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã ngay lập tức hủy hoặc hoãn các sự kiện tập trung đông người, đóng cửa nhiều dịch vụ như cơ sở giáo dục, thể thao... Ngày 25-3, Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, đóng cửa hầu như toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội và đi lại. Cho đến nay, qua 3 lần gia hạn, Ấn Độ đang bước vào giai đoạn 4 lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài tới ngày 31-5.

Chấp nhận hy sinh kinh tế

Những biện pháp trên cho thấy Chính phủ Ấn Độ đã rất quyết đoán trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với các quy định đều có hiệu lực ngay lập tức và mạnh mẽ. Là quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa từ rất sớm, khi số ca nhiễm bệnh chỉ là 519 người, làm 10 người tử vong - một tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số gần 1,4 tỉ dân, Thủ tướng Modi và chính phủ của ông tuyên bố đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên lợi ích kinh tế. Thực tế, Ấn Độ đã chấp nhận cái giá kinh tế phải trả khổng lồ. Mỗi ngày phong tỏa, kinh tế Ấn Độ được đánh giá bị thiệt hại khoảng 4,64 tỉ USD và chỉ trong 21 ngày phong tỏa đầu tiên (25/3-14/4) nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 100 tỉ USD.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tăng đột biến lên 27,11% trong tuần kết thúc vào ngày 3-5, so với mức dưới 7% trước khi đại dịch bùng phát tại nước này hồi giữa tháng 3. Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) có trụ sở tại Mumbai cho biết tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở các khu vực thành thị với 29,22%, trong khi ở nông thôn là 26,69%.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Modi khẳng định lệnh phong tỏa là để "cứu Ấn Độ" và là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nếu không xử lý tốt trong 21 ngày phong tỏa (giai đoạn 1) đất nước Ấn Độ sẽ thụt lùi 21 năm. Chính phủ Ấn Độ nhận thức rằng với quy mô dân số khổng lồ và năng lực y tế hạn chế, nước này sẽ mất khả năng kiểm soát dịch bệnh nếu không sớm có biện pháp kiềm chế và ngăn chặn tốc độ lây lan. Theo Viện khoa học dân số quốc tế (IIPS), khoảng 3 triệu người Ấn Độ sẽ nhiễm SARS-CoV-2, nhưng nếu không áp dụng biện pháp phong tỏa, con số này sẽ là trên 17 triệu.

Giới chuyên gia cho rằng việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại một quốc gia như Ấn Độ luôn là thách thức lớn và lệnh phong tỏa trên cả nước từ ngày 25-3 có thể vẫn chưa đủ. Ấn Độ có gần 1,4 tỉ dân, với mật độ dân cư tập trung đông đúc, hệ thống cơ sở hạ tầng vệ sinh nghèo nàn, tỷ lệ người dân từ nông thôn lên thành phố mưu sinh cao. Đây là những "điều kiện lý tưởng" để dịch bệnh COVID-19 lây lan. Chính phủ Ấn Độ cũng đang "đau đầu" với bài toán phong tỏa các khu ổ chuột tập trung đông người, bởi yêu cầu các cư dân tại những khu ổ chuột chấp hành lệnh phong tỏa cũng đồng nghĩa với việc buộc họ phải chống chọi với nắng nóng khi ở trong những ngôi nhà chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, kèm nỗi lo không có kế sinh nhai. Chưa kể việc truy vết tại những khu vực này là hết sức khó khăn.

Nguy cơ bùng phát khó lường

Trước diễn biến dịch phức tạp và số ca nhiễm tăng cao, New Delhi dường như đã thay đổi chiến lược trong đối phó với dịch COVID-19. Ấn Độ ngày 9-5 đã sửa đổi quy định cho phép các trường hợp nhiễm bệnh triệu chứng nhẹ và tiền triệu chứng có thể xuất viện mà không cần xét nghiệm, thay vì phải xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp như trước đó nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế. Sau đó, Ấn Độ tiếp tục nới lỏng quy định cho phép những bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc tiền triệu chứng được cách ly tại nhà mà không cần nhập viện. Theo một số chuyên gia, hướng dẫn mới tạo ra nguy cơ một số bệnh nhân xuất viện có thể truyền virus sang người khác và chiến lược này đang được xây dựng cho trường hợp miễn dịch cộng đồng. Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho rằng mọi người sẽ phải học cách sống chung với virus.

Lệnh phong tỏa lần 4 sẽ kết thúc vào ngày 31-5 và các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ từng bước được xem xét mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khác với phần lớn các quốc gia hứng chịu nặng nề tác động của COVID-19 chỉ nới lỏng các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội khi sự lây lan của dịch bệnh đã có dấu hiệu đi xuống, số ca nhiễm mới Ấn Độ tại thời điểm hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại còn tiếp tục gia tăng với mức tăng theo ngày dao động khoảng 6 nghìn ca. Rõ ràng là Ấn Độ sẽ phải căng mình đối mặt với chặng đường cam go phía trước trong cuộc chiến với COVID-19.

 MINH LUYẾN  (TTXVN)

Chia sẻ bài viết