15/09/2010 - 08:41

Cuộc chiến Afghanistan với sự trỗi dậy của Taliban

Binh sĩ Pakistan tuần tra ở Bắc Waziristan, khu vực trú ẩn của Taliban và al-Qaeda. Ảnh: AFP

Kỳ 3: Ai hậu thuẫn Taliban?

Những thành công ban đầu giúp Taliban lên nắm quyền giữa thập niên 1990 là bài trừ nạn tham nhũng, xóa bỏ tình trạng vô luật lệ và xây dựng đường sá, cũng như đưa nhiều khu vực ở Afghanistan vào khuôn phép, giúp phát triển mậu dịch. Thủ lĩnh của Taliban là Mullah Mohammed Omar và dưới trướng của nhân vật này là “tập hợp các cựu tư lệnh quân đội và các giáo viên giảng dạy tại các trường Hồi giáo”, nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo thuần khiết nhất thế giới. Từ căn cứ thành lập ở tỉnh Kandahar, Tây Nam Afghanistan, Taliban nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và chiếm tỉnh Herat, giáp giới Iran vào tháng 9-1995. Đúng một năm sau, Taliban chiếm Thủ đô Kabul, sau đó lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Tabbani và đến năm 1998, chúng kiểm soát 90% lãnh thổ Afghanistan.

Sự xuất hiện của Taliban trở thành trung tâm gây tranh cãi. Dù nhiều lần phủ nhận, nhưng Pakistan vẫn bị xem là “kiến trúc sư” của triều đại cực đoan tại Afghanistan, bởi vì thế giới bên ngoài biết đến Taliban là vào năm 1994, khi lực lượng này được các nhà cầm quyền Pakistan nhờ bảo vệ một đoàn hộ tống có nhiệm vụ khai phá một tuyến đường thông thương giữa Pakistan và Trung Á. Mặt khác, rất nhiều tay súng Taliban từng được huấn luyện tại các trường tôn giáo ở Pakistan. Arabie Séoudite và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cùng với Pakistan là 3 nước công nhận chế độ Taliban. Pakistan cũng là nước cuối cùng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Taliban, dưới sức ép của Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Một thực tế khác là Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) có vai trò hết sức quan trọng trong các phong trào chống sự hiện diện của Liên Xô ở Afghanistan thập niên 1980. Khi đó, Mỹ thông qua ISI để tài trợ và cung cấp vũ khí cho các lực lượng nổi dậy Afghanistan. ISI cũng tham gia huấn luyện hơn 10.000 chiến binh để đưa trở lại Afghanistan. Nhiệm vụ của ISI ở Afghanistan được tin là vẫn tiếp diễn sau khi quân đội Liên Xô rút lui vào năm 1989, nhằm dựng lên một chế độ ổn định và thân thiện với Islamabad. ISI bắt đầu trực tiếp ủng hộ và giúp Taliban tranh giành quyền lực tại Afghanistan. Vì mục đích này, năm 2001, ISI đã trục xuất Hamid Karzai (đương kim Tổng thống Afghanistan) khỏi nơi ẩn náu ở Pakistan do ông này đối đầu quyết liệt với Taliban.

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, lúc đầu, ISI và tình báo Arabie Séoudite kêu gọi Taliban giao nộp Osama bin Laden. Nhưng thủ lĩnh Taliban Mullah Omar đã thẳng thừng từ chối. Vào thời điểm đó, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf quyết định tham gia toàn diện vào “cuộc chiến chống khủng bố” bên cạnh người Mỹ. Hành động đầu tiên của ông Musharraf là loại bỏ mọi nhân vật chủ chốt của ISI, trong đó có Tổng giám đốc ISI - Trung tướng Mahmud Ahmed và những người cảm tình với Taliban. Tuy nhiên, các quan chức tình báo cao cấp bị cho về hưu của ISI vẫn tiếp tục ủng hộ ngầm Taliban. Các mạng lưới tình báo được tạo ra trước kia vẫn tiếp tục hoạt động ngoài sự kiểm soát của Islamabad. Một số nhân viên thoát khỏi cuộc thanh trừng còn ở lại ISI vẫn bí mật cộng tác với các đồng nghiệp cũ bị phế truất, chuyển sang đối đầu với chính quyền Musharraf, vừa chống liên quân ở Afghanistan.

Thực ra, ISI vẫn có mối quan hệ mờ ám với Taliban, để tranh thủ thu thập thông tin tình báo, và nếu tình thế thay đổi, ví như một ngày nào đó Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, thì ISI vẫn có thể tiếp tục hợp tác với chính quyền mới. Theo một báo cáo của Trường Kinh tế Luân Đôn (Anh), ISI không những tài trợ và đào tạo Taliban tại Afghanistan, mà còn có đại diện chính thức trong Hội đồng Lãnh đạo tối cao Taliban tại Pakistan (Quetta Shura). Một số người cho rằng bằng cách ngầm ủng hộ Taliban, lực lượng an ninh Pakistan muốn phá hoại ảnh hưởng của đối thủ Ấn Độ tại Afghanistan.

Taliban chủ yếu là người Pashtun, bộ tộc chiếm đa số dân ở Afghanistan và định cư ở 2 tỉnh của Pakistan là Tiền tuyến Tây Bắc (nay là tỉnh Khyber Pakhtunkhwa) và Baluchistan. Cho tới nay, Taliban vẫn nhận được sự ủng hộ của người Pashtun ở Pakistan. Một số thủ lĩnh đang chạy trốn của chúng có thể tìm được nơi ẩn náu ở khắp đường biên giới dài và hiểm trở ở tỉnh Khyber, Baluchistan và các khu vực bộ tộc bán tự trị.

N. MINH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết