24/04/2022 - 19:57

Chuyển đổi số ở TP Cần Thơ:
Khi thách thức là cơ hội
Bài 2: Những "viên gạch” nền tảng 

* Q. THÁI -  M. THANH - M. HUYỀN

Với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TP Cần Thơ đã đạt được kết quả bước đầu, đặt những "viên gạch" đầu tiên cho 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, hành trình số hóa của thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều cản ngại, thách thức để thích ứng với bối cảnh mới, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao từ cộng đồng.

Các bác sĩ tư vấn trực tuyến cách chăm sóc sức khỏe cho F0, do Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Q. THÁI

Tăng cường kết nối xã hội

Từ ngày 28-4-2021, Trung tâm điều hành đô thị thông minh vận hành, thành phố thí điểm 8 dịch vụ đô thị thông minh gồm: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành du lịch; giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân; giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin mạng. Trung tâm được xem là nền tảng cho chính quyền số, đầu mối tổng hợp các nguồn thông tin của thành phố trên các lĩnh vực, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành các hoạt động của thành phố.  

Anh Lê Trung Sơn (ở phường An Bình, quận Ninh Kiều), nhân viên một công ty cung cấp thiết bị y tế cho một số bệnh viện trên địa TP CầnThơ, chia sẻ: "Tôi phải thay đổi phương thức làm việc trong thời gian dịch COVID-19, nhưng nhờ sự "thích ứng" của các đơn vị, tổ chức hành chính sự nghiệp, công việc được giải quyết qua mạng, tôi vẫn duy trì được hiệu quả công việc. Một số bệnh viện đều xây dựng kênh tương tác với tổ chức, cá nhân bằng điện thoại, các ứng dụng trên mạng". 

Từ ngày 18-12-2021, anh Sơn đăng ký tình nguyện viên truyền thông Mạng lưới thầy thuốc đồng hành TP Cần Thơ. Theo anh Sơn, các tình nguyện viên chủ yếu trao đổi thông tin qua trang thông tin điện tử: gapowork.vn. Anh cũng thường xuyên gọi Tổng đài 1022 để phản ánh với các cấp chính quyền về nhiều lĩnh vực, từ y tế, thủ tục hành chính đến việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, chi trả trợ cấp do dịch COVID-19. Các thông tin, phản ánh đều được tổng đài viên hướng dẫn, xử lý kịp thời. Tổng đài 1022 là 1 trong 8 dịch vụ đô thị thông minh.

Ngành Y tế cũng đã triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng và phòng, chống dịch bệnh. Tiêu biểu như các hệ thống: quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm; thông tin tiêm chủng quốc gia và các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, khẳng định: "Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cộng đồng đã hỗ trợ thành phố thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, đặc biệt là dịch COVID-19. Một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố đã triển khai Hệ thống quản lý xét nghiệm, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, hướng đến triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện hạng I vào năm 2023".

Lĩnh vực du lịch được đánh giá là tiên phong trong chuyển đổi số (CÐS) sau khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đầu năm 2022, UBND thành phố tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến trên 2 nền tảng số https://hoichodulichcantho.vn và http://canthotm.vn. Hội chợ thu hút khoảng 10.000 lượt xem, với gần 150 sản phẩm được giới thiệu. Ðây là hoạt động kích cầu du lịch Cần Thơ trong việc ứng dụng công nghệ số để thích ứng bối cảnh mới. Ngoài sự kiện trên, nhiều nền tảng kết nối người dân được triển khai, như:  Cổng thông tin du lịch: canthotourism.vn và Ứng dụng du lịch thông minh TP Cần Thơ: Can Tho Tourism.  Năm 2020, thành phố ra mắt fanpage “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism” và Zalo page “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism”, thu hút hơn 15.000 lượt người thích, hơn 16.000 người theo dõi.

Nhận diện thách thức

CÐS là xu thế tất yếu, tuy nhiên, để thực hiện thành công công cuộc CÐS đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là sự nhận thức, sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, sự tham gia của người dân. Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, hiện nay người dân, doanh nghiệp còn thiếu niềm tin vào giao dịch điện tử. "Chúng ta chưa có hệ thống xác thực định danh quốc gia nên việc thực hiện các giao dịch điện tử là loại hình phổ biến trong tương lai sẽ gặp khó khăn, khi mỗi tổ chức chỉ cung cấp các dịch vụ định danh xác thực ở phạm vi hẹp, riêng lẻ. Về khả năng tiếp cận công nghệ, mặc dù CÐS hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chỉ ở mức tiếp cận CÐS, chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ nguồn lực thực hiện CÐS; người dân hiểu biết công nghệ còn hạn chế, việc tham gia các hoạt động, giao dịch trực tuyến, thanh toán điện tử vẫn chưa thực sự phổ biến".

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trực tuyến, anh Trương Thanh Tùng, chủ cơ sở dịch vụ Nam Việt (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng), cho biết: "Việc đăng ký giấy phép kinh doanh được thực hiện qua mạng, nhưng thủ tục xin cấp mã số thuế, anh phải liên hệ và nộp hồ sơ trực tiếp tại Ðội thuế của phường". Theo anh Tùng, khó khăn hiện nay là các cơ quan chưa liên thông dữ liệu với nhau, nên dù đã nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng một số thủ tục liên quan vẫn phải giao dịch trực tiếp. Chưa kể, một số thủ tục dịch vụ công trực tuyến chưa có chức năng cho xác nhận chữ ký số nên anh phải in văn bản giấy, sau đó chụp lại và scan để tải lên cổng dịch vụ công mới thực hiện được thao tác giao dịch điện tử.

Công chức Hải quan cửa khẩu Cảng Cần Thơ xử lý hồ sơ trực tuyến về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ảnh: CTV

Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, chia sẻ: "Khó khăn hiện nay là kỹ năng thao tác, số hóa các tài liệu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới còn chưa quen, dẫn đến các thông tin số hóa để gửi lên hệ thống đăng ký kinh doanh không đảm bảo theo yêu cầu quản lý và phải mất thời gian chỉnh sửa, theo dõi, phản hồi rất nhiều". Sở đang xây dựng sổ tay hướng dẫn để doanh nghiệp thao tác số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi giấy phép kinh doanh trực tuyến trước khi tải hồ sơ lên hệ thống đăng ký dịch vụ công. Sở phấn đấu nâng tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trực tuyến mức độ 4 đạt trên 90% vào cuối năm 2022.

Xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung là yếu tố quan trọng quan trọng của quá trình CÐS. Thế nhưng, có thực tế là việc tích hợp, tính liên thông dữ liệu chưa được đồng bộ, gây ra nhiều khó khăn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục của tổ chức, công dân. Từ thực tế CÐS ngành Y tế, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho rằng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tuy đã triển khai thí điểm thực hiện lập hồ sơ cho khoảng 82% dân số, nhưng dữ liệu chưa đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế, người dân chưa được cấp mã định danh y tế thống nhất trên toàn quốc. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là tuyến y tế cơ sở; nhiều phần mềm còn chồng chéo, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Mặc dù các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Dù vậy, một số cơ sở vẫn chưa khai thác vận hành thường xuyên liên tục đối với dịch vụ đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; thanh toán điện tử không dùng tiền mặt chưa phổ biến; tư vấn khám bệnh từ xa chưa thực sự hiệu quả.

Theo ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh CĐS, mỗi nơi hiện nay có cách tiếp cận và triển khai CĐS khác nhau. Vì vậy, khâu tuyên truyền cần nhất quán để các chủ thể tham gia CĐS dễ tiếp cận, hiểu và thực hiện. Nguồn nhân lực phục vụ CĐS hiện nay còn hạn chế cả kiến thức và kỹ năng, trong khi việc giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Rõ ràng để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho CĐS cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường. Từ đó, tạo nguồn lực cho "đường ray" CĐS sớm đến đích đề ra.

Bài 3: Nhân lực - “Chìa khóa” chuyển đổi số 

Chia sẻ bài viết