24/04/2022 - 08:33

Chuyển đổi số ở TP Cần Thơ:
Khi thách thức là cơ hội 

Q. Thái - M. Thanh - M. Huyền

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, tiếp theo là tác động mang tính dây chuyền từ dịch COVID-19 càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CÐS) trong các cơ quan hành chính, tổ chức, doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Không đứng ngoài xu thế CÐS, TP Cần Thơ nhanh chóng nhập cuộc với 3 trụ cột chính, gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cơ hội đan xen thách thức, song từ cơ quan nhà nước, đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều trên đường ray CÐS, hướng đến mục tiêu phát triển chung.

Bài 1: “Xung lực” chuyển đổi số

Dịch COVID-19 đã tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho quá trình CÐS trong tất cả các lĩnh vực, mà trước tiên là ngay trong nội bộ của cơ quan nhà nước. Ðây là cơ hội để các cấp, các ngành đẩy nhanh quá trình CÐS nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân tốt hơn.

“Click chuột” giải quyết hồ sơ

Anh Trương Thanh Tùng ở khu vực 5, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, được bạn bè ví von là “công dân số” bởi anh thường xuyên sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Ðầu năm 2021, anh Tùng thực hiện thủ tục đổi hộ chiếu trực tuyến qua cổng thông tin điện tử. Anh truy cập  địa chỉ www.hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn để điền vào thông tin tờ khai, sau đó đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Cần Thơ) chụp hình và nhận giấy hẹn trả kết quả. Việc nhận kết quả có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của người dân. Sau gần 15 năm, anh Tùng mới làm thủ tục đổi hộ chiếu, nhưng lần này anh rất hài lòng bởi các thao tác được thực hiện trên môi trường mạng, giúp anh tiết kiệm thời gian đi lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, anh có thể tự kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công.

Tình nguyện viên của Thành đoàn Cần Thơ trực Tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội. Ảnh: Q. THÁI​

Anh Tùng chia sẻ: “Tháng 12-2020, tôi lập Cơ sở dịch vụ Nam Việt (chuyên kinh doanh vé máy bay và văn phòng phẩm), tất cả hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh đều được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và chỉ có 3 ngày sau, tôi được thông báo qua điện thoại để nhận giấy phép”. Theo anh, nếu làm hồ sơ trực tiếp, anh phải đến Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND quận Cái Răng để làm thủ tục, nhưng với dịch vụ công trực tuyến, anh chỉ “click chuột” và hoàn thành hồ sơ chỉ vài phút trên mạng. Chưa kể, một số TTHC có thể thanh toán phí điện tử, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Phương thức giao dịch điện tử được các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao, trong khi các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố chủ động cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến để phục vụ tổ chức, doanh nghiệp. Ðiển hình như Cục Hải quan thành phố tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan cho doanh nghiệp qua nhóm Zalo hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị. Hiện ngành Hải quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 22 TTHC; 100% doanh nghiệp đăng ký thủ tục hải quan tại Cục Hải quan đều thực hiện đăng ký tờ khai hải quan qua hệ thống thông quan tự động. Năm 2021, có 315 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua hệ thống thông quan tự động (tăng 37 doanh nghiệp so với năm 2020). Hơn 1 năm qua, tuổi trẻ đơn vị đề xuất triển khai mô hình Nhóm tuyên truyền “Hải quan và doanh nghiệp” trên mạng xã hội Zalo. Mô hình này hiện nhân rộng đến 5 chi cục trực thuộc với 6 nhóm Zalo, trong đó Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Long thành lập 2 nhóm. Hiện các nhóm Zalo đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham gia. Ðại diện doanh nghiệp có thể gửi câu hỏi, yêu cầu tư vấn, hướng dẫn các TTHC về lĩnh vực hải quan trực tuyến, mà không cần đến trực tiếp tại trụ sở làm việc của các chi cục.

Các sở, ngành khác còn tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Hiện tại, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện thực hiện 1.163 TTHC, đồng thời ban hành danh mục TTHC ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử với 297 thủ tục; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ thực tế là đạt tỷ lệ 27% (tính đến cuối năm 2021).

Người dân là trung tâm chuyển đổi số 

Trong 2 năm  tác động của dịch COVID-19, nhiều cơ quan, đơn vị ý thức rõ hơn và chủ động, quyết liệt đề ra các giải pháp căn cơ, đáp ứng nhu cầu hoạt động của chính nội bộ cơ quan mình và trên hết là phục vụ người dân tốt hơn. Chị Huỳnh Quế Châu, công chức Văn hóa - Xã hội, UBND phường Trà An, quận Bình Thủy, chia sẻ: “Việc thiết lập đường dây nóng hoặc fanpage trên mạng xã hội giúp kết nối giữa chính quyền với người dân, hình ảnh cán bộ, công chức cũng gần gũi, thân thiện hơn. Hiện phường vẫn duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của công dân về tình hình dịch bệnh, các vấn đề an sinh xã hội hoặc TTHC khác”. Nhiều vấn đề người dân phản ánh gần đây là đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động tự do, hay như hỗ trợ an sinh xã hội cho bà con gặp khó khăn... đều được chị tham mưu, trình lãnh đạo xem xét, xử lý kịp thời.

Ðặc biệt, khi dịch COVID-19 tái bùng phát, thành phố đã triển khai các nền tảng dùng chung trong công tác phòng, chống dịch bệnh, như nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR, nền tảng truy vết thông tin lịch sử di chuyển của các F0 qua điện thoại di động; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến... Anh Phan Quốc Việt, thành viên Ðội truy vết cộng động quận Ninh Kiều, nhớ lại: “Lúc cao điểm dịch COVID-19 từ tháng 7 đến tháng 9-2021, mỗi ngày tôi cùng các thành viên trong Ðội truy vết hàng chục F0. Những ngày đầu, công việc báo cáo, ghi chép thông tin F1, F2 còn viết tay, sau đó chuyển sang bằng phần mềm và các ứng dụng số trên điện thoại. Nhờ vậy, các thành viên còn tăng năng suất làm việc, công tác thống kê, báo cáo truy vết dần chuyên nghiệp, chính xác hơn”. Hay như việc ghi chép thông tin người ra vào thành phố những ngày đầu bùng phát dịch, mỗi ngày tại chốt siêu thị GO! Cần Thơ (quận Cái Răng) đã có hơn 20.000 lượt người dân ra vào, nếu không ứng dụng công nghệ, thì ách tắc giao thông hoặc quá tải công việc là điều khó tránh khỏi.

Từ cuối tháng 4-2021, thành phố xây dựng hệ thống dịch vụ công 1022 để tiếp nhận, xử lý và phản ánh thông tin, yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thực trạng xã hội, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, quy định hành chính, giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố. Hệ thống gồm nhiều kênh tiếp cận người dân, như tổng đài 1022, Cổng thông tin điện tử 1022, App (ứng dụng trên điện thoại di động), kênh Zalo, Facebook và trực tiếp tại Văn phòng UBND thành phố. Tính đến cuối năm 2021, đã tiếp nhận và giải quyết 9.783 thông tin của người dân về nhiều lĩnh vực, từ y tế, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đến các thủ tục giải quyết trên dịch vụ công trực tuyến.

Tùy theo điều kiện từng cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo đơn vị thiết lập đường dây nóng, kênh fanpage hỗ trợ người dân thực hiện TTHC. Tiêu biểu như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, từ tháng 9-2021 đã thành lập Tổ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (bao gồm cả Nghị quyết số 52/NQ-HÐND của HÐND TP Cần Thơ); các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và các địa phương đều công bố đường dây nóng hỗ trợ người dân. Các hoạt động tư vấn trực tuyến được người dân đánh giá cao.

Theo Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 30-11-2021 của UBND thành phố về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, thành phố đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực số. Phấn đấu đến năm 2025, có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Bài 2: Những "viên gạch” nền tảng

Chia sẻ bài viết