09/06/2008 - 00:21

Chuyến Âu du cuối cùng của ông Bush

Tổng thống Mỹ George Bush hôm nay (9-6) bắt đầu chuyến công du cựu lục địa kéo dài 8 ngày. Đầu tiên ông đến Slovenia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Liên minh châu Âu (EU), sau đó tới Đức, Ý, Pháp và Vương quốc Anh. Đây là chuyến Âu du cuối cùng của ông Bush trên cương vị tổng thống Mỹ.

Tuy còn hơn 7 tháng nữa Tổng thống Bush mới rời Nhà Trắng, nhưng trong mắt các nhà lãnh đạo châu Âu, ông bây giờ là “người của quá khứ”. Điều họ quan tâm hiện nay là John McCain của đảng Cộng hòa hay Barack Obama của đảng Dân chủ sẽ thay thế ông Bush. Họ hy vọng tổng thống mới của Mỹ sẽ có cách tiếp cận các vấn đề quốc tế khác với ông Bush, người từng bị chỉ trích là thực hiện “ngoại giao cao bồi”. Dưới trào ông Bush, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương không được mặn mà cho lắm, chủ yếu xung quanh cuộc chiến Iraq và vấn đề chống biến đổi khí hậu. Nhiều nước EU từng phản đối việc Mỹ đưa quân xâm lược Iraq năm 2003. Quan hệ hai bên có lúc lạnh nhạt khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld phản pháo bằng cách gọi Pháp và Đức là đại diện của một “châu Âu già cỗi”. Về việc chống hiện tượng ấm nóng toàn cầu, dù là quốc gia thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới, nhưng Mỹ lại khăng khăng từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto bất chấp sự thuyết phục của EU.

Do vậy, những mục tiêu Tổng thống Bush đặt ra trong chuyến đi này, tuy khá khiêm tốn nhưng cũng khó đạt được. Trong các cuộc hội đàm, ông Bush dự kiến yêu cầu châu Âu chia sẻ gánh nặng nhân lực và tài chính với Mỹ ở chiến trường Afghanistan, tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngoài ra, hòa bình Trung Đông, quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương, cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, biến đổi khí hậu toàn cầu... cũng là những chủ đề quan trọng. Tuy quan tâm tới các vấn đề nêu trên nhưng giới lãnh đạo EU muốn thảo luận với người kế nhiệm ông Bush, những người có đủ thời gian triển khai thực hiện các thỏa thuận. Còn nhớ tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Roumanie hồi tháng 4 vừa qua, do không muốn đối đầu với Nga, các nhà lãnh đạo khối này từng phớt lờ yêu cầu của Tổng thống Bush về việc sớm kết nạp Ukraina và Gruzia. Đề cập chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Bush, Joseph Cirincione, một nhà phân tích chính sách ngoại giao ở Washington, nói: “Ông ấy sẽ có những buổi lễ chào đón, chụp ảnh, có thể có vài lời chúc tụng và sau đó người ta sẽ nhanh chóng quên ông ấy”. Có lẽ đây là nhận xét ngắn gọn nhưng đầy đủ và chính xác nhất về chuyến đi này.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết