TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nga hôm 30-1 cho biết muốn đưa quan hệ giữa nước này với Trung Quốc lên “cấp độ mới” và mong đợi các cuộc đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới, giữa lúc một tờ báo xứ bạch dương đưa tin nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến Mát-xcơ-va vào tháng này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp hồi tháng 9-2022 tại Uzbekistan. Ảnh: AP
Ông Vương nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện mục đích chuyến thăm của ông Vương chưa rõ là gì nhưng có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm Nga sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo South China Morning Post ở Hong Kong dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 30-1 cho biết ông Tập sẽ thăm Mát-xcơ-va nhân dịp tròn một năm ngày Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, tức ngày 24-2.
“Chúng tôi tin rằng tiềm năng hợp tác song phương Nga - Trung còn lâu mới hết” - Bộ Ngoại giao Nga đánh giá. Cơ quan này cho hay Nga đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại trị giá 200 tỉ USD giữa hai nước trước thời hạn và “làm sâu sắc thêm đáng kể” mối quan hệ với Bắc Kinh. Theo Hãng tin Reuters, phương Tây hiện đang theo dõi mối quan hệ đối tác “không giới hạn” ngày càng sâu sắc giữa siêu cường đang lên Trung Quốc và gã khổng lồ tài nguyên thiên nhiên Nga dù không rõ mối quan hệ đối tác này sâu đến mức nào.
Sau khi phương Tây áp đặt một loạt đòn trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hiện đại lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Mát-xcơ-va đang xoay sang các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Theo báo cáo mới của Tổ chức phi chính phủ Free Russia Foundation (Mỹ), quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã bùng nổ vào năm ngoái, trở thành “phao cứu sinh” cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nga và cho thấy giới hạn của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Báo cáo cho hay, Mát-xcơ-va đã tăng cường nhập khẩu các công nghệ quan trọng phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine, gồm cả chất bán dẫn và vi mạch từ Trung Quốc. Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, một số nhà cung cấp hàng hóa công nghệ cao truyền thống của Nga như Đức, Hà Lan và Hàn Quốc đều thu hẹp các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ Trung Quốc nhờ đó đã tăng hơn gấp đôi. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm ngoái, giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc sang Nga đã tăng từ mức 200 triệu USD trong cùng kỳ năm 2021 lên con số 500 triệu USD. Số lượng các cuộc giao dịch theo đó cũng tăng lên. Ngoài ra, Nga còn nhập khẩu chất bán dẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Như vậy, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, tổng lượng nhập khẩu chất bán dẫn và vi mạch của Nga trong năm ngoái tăng khoảng 34%, đạt mức 2,45 tỉ USD, tăng mạnh so với mức 1,82 tỉ USD vào năm 2021. “Trung Quốc có khả năng tự sản xuất nhiều loại chip công nghệ thấp hơn, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga mua những loại chip này” - Chris Miller, phó giáo sư tại Đại học Tufts (Mỹ), nói.
Không những vậy, Trung Quốc còn trở thành nhà cung cấp một số công nghệ chủ chốt có thể phục vụ cho mục đích quân sự của Nga. Theo đó, Trung Quốc hồi năm ngoái đã bán cho Nga lô máy bay không người lái trị giá 3,3 triệu USD.
Theo báo cáo, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm ngoái tăng khoảng 27 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 99 tỉ USD. Phần lớn mức tăng trưởng đó là do Nga tăng doanh số bán dầu thô. Khi các nước phương Tây hạn chế mua các sản phẩm năng lượng của Nga, Mát-xcơ-va đã bắt đầu chuyển sang bán cho Trung Quốc và các thị trường khác như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, Nga cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa của Trung Quốc. Trong giai đoạn trên, khoảng 36% lượng hàng nhập khẩu của Nga là từ Trung Quốc, tăng mạnh so với mức chỉ 21% trong cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo cho rằng chính việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua hàng xuất khẩu của Nga đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm hoạt động thương mại của Nga với các đối tác thương mại lớn phương Tây, gồm Mỹ, Anh và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). “Khi Mỹ, EU và Anh đều giảm quy mô hoạt động với Nga, Trung Quốc đã nổi lên trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga” - báo cáo nhận định.