22/06/2009 - 08:19

Chính trường Australia dậy sóng!

Thủ tướng Rudd (phải) và Bộ trưởng Tài chính Swan tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Luân Đôn (Anh) tháng 4-2009.
Ảnh: AFP

Phe đối lập ở Australia đang gây sức ép buộc Thủ tướng Kevin Rudd và Bộ trưởng Tài chính Wayne Swan từ chức xung quanh cáo buộc lạm dụng quyền lực và lừa dối quốc hội. Theo giới quan sát, “nghi án” này đang tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất đối với chính phủ 19 tháng tuổi của ông Rudd.

Thủ lĩnh phe đối lập Malcolm Turnbull cáo buộc Thủ tướng Rudd đã tác động tới lãnh đạo Bộ Tài chính trong vụ xem xét cho John Grant, một người bạn của ông Rudd làm nghề kinh doanh xe hơi, vay một khoản tiền từ công quỹ. Ông Grant là láng giềng trước đây của Thủ tướng Rudd và từng cung cấp một chiếc xe tải sử dụng trong chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2007. Bộ trưởng Swan cam đoan với các nghị sĩ rằng thủ tướng không hề “gởi gắm” ông Grant và các cáo buộc trên nằm trong “chiến dịch bôi nhọ chính phủ” của phe đối lập. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính lại nói rằng hình như hồi tháng 2 có nhận một email từ Văn phòng Thủ tướng, yêu cầu “chiếu cố” trường hợp của ông Grant trong chương trình OzCar tài trợ cho các nhà kinh doanh xe hơi trị giá 1,6 tỉ USD. Giải trình trước quốc hội, Thủ tướng Rudd khẳng định mình không làm gì sai và yêu cầu cảnh sát mở cuộc điều tra để xem liệu có ai đó (ám chỉ phe đối lập) tạo ra email giả nhằm hạ uy tín của ông hay không. Ông Rudd cũng đòi thủ lĩnh phe đối lập Turnbull từ chức nếu không đưa ra được bằng chứng rõ ràng.

Xì-căng-đan này xảy ra chỉ hai tuần sau khi Thủ tướng Rudd cải tổ nội các, xuất phát từ việc Bộ trưởng Quốc phòng Joel Fitzgibbon từ chức vì vi phạm những qui tắc hành xử của chính phủ. Cụ thể là ông Fitzgibbon đã cho phép em trai, giám đốc một công ty bảo hiểm y tế, sử dụng văn phòng bộ trưởng để tổ chức họp mặt với một số quan chức quốc phòng.

Tuần này, Quốc hội Australia sẽ nhóm họp để xem xét thông qua các dự luật do chính phủ của Thủ tướng Rudd đề xuất. Theo các nhà phân tích, nếu Thượng viện do phe đối lập nắm đa số tiếp tục bác bỏ dự luật buôn bán hạn ngạch khí thải carbon, có khả năng ông Rudd sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới (thay vì đợi đến cuối năm 2010). Đây là điều phe đối lập không mong muốn vì dù tỷ lệ ủng hộ có tăng trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, nhưng hiện nay họ chưa đấu nổi với Công đảng theo đường lối trung tả của ông Rudd. Phe đối lập muốn có thêm thời gian để củng cố lực lượng nên có thể sẽ chấp nhận nhượng bộ bằng việc thông qua dự luật này.

Có thể giành thắng lợi trong việc thông qua dự luật buôn bán hạn ngạch khí thải carbon, nhưng tình hình hiện nay cho thấy Thủ tướng Rudd chắc chắn chưa hết rắc rối với các ông nghị phe đối lập.

LÊ DÂN (Theo AP, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết