Đúng như cảnh báo của Chính phủ Iraq, lực lượng an ninh nước này với xe tăng và xe bọc thép hôm 16-10 đã tiến vào thành phố Kirkuk thuộc tỉnh cùng tên, buộc các tay súng Peshmerga phải tháo chạy và thống đốc Najmaddin Karim trốn về Irbil, thủ phủ của khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Chiến dịch “giải phóng” quá dễ dàng
Hãng tin AFP cho biết, lực lượng an ninh Iraq đã chiếm văn phòng thống đốc tỉnh ở trung tâm thành phố Kirkuk và thay thế cờ của người Kurd bằng quốc kỳ Iraq. Quân đội Iraq cũng chiếm các căn cứ quân sự trọng yếu, một sân bay quân sự và hầu hết các mỏ dầu tại tỉnh Kirkuk.
Binh sĩ Iraq tại một cơ sở sản xuất dầu ở Kirkuk.
Cuộc tấn công vào Kirkuk của quân đội và cảnh sát đặc nhiệm liên bang Iraq từ đêm 15-10 chỉ vấp phải vài sự kháng cự lẻ tẻ của các tay súng người Kurd được gọi là Peshmerga. Một quan chức y tế người Kurd cho biết có ít nhất 10 tay súng Peshmerga thiệt mạng và 27 người khác bị thương trong các vụ đọ súng với lực lượng an ninh chính phủ. Do lo ngại xảy ra chiến sự, hàng ngàn người Kurd sinh sống ở Kirkuk đã kéo nhau rời khỏi thành phố đi về khu vực tự trị của người Kurd.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố chiến dịch giành lại quyền kiểm soát Kirkuk là điều cần thiết để bảo vệ sự thống nhất đất nước, sau khi lãnh đạo Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) đã bất chấp mọi lời cảnh báo tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập hôm 25-9.
Lực lượng người Kurd chia rẽ
Chiến dịch tái chiếm Kirkuk của lực lượng an ninh quốc gia Iraq được thuận lợi do sự mâu thuẫn giữa hai cánh quân người Kurd. Đó là lực lượng trung thành với Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK), một đảng chính trị hậu thuẫn Tổng thống Iraq Fuad Masum và lực lượng ủng hộ đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) có quan hệ với người đứng đầu KRG Masoud Barzani.
Các tay súng PUK được triển khai tại phía Nam tỉnh Kirkuk và đã nhanh chóng rút quân trước khi lực lượng an ninh Iraq tràn vào. PUK được cựu Tổng thống Jalal Talabani, vừa qua đời hồi đầu tháng 10, thành lập và dẫn dắt. Chính ông Talabani đã phản đối cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd. Trong khi đó, KDP do chính thủ lĩnh người Kurd Barzani sáng lập. Các tay súng KDP được triển khai ở phía Bắc Kirkuk. Giữa PUK và KDP từng diễn ra cuộc “huynh đệ tương tàn” hồi những năm 1990.
Kirkuk luôn được coi là cứ địa của PUK và bản thân thống đốc Karim là người của PUK. Tuy nhiên, ông này thời gian gần đây đã nghiêng về nhà lãnh đạo người Kurd Barzani.
Lực lượng vũ trang người Kurd nói chung đã kiểm soát thành phố Kirkuk năm 2003 giữa lúc Mỹ đưa quân tiến đánh Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein. Và các tay súng Peshmerga mở rộng kiểm soát cả tỉnh Kirkuk giàu dầu mỏ này năm 2014, thời điểm mà quân đội chính phủ Iraq tại miền Bắc đã thất thủ trước nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tỉnh Kirkuk có 6 mỏ dầu với mỗi ngày sản xuất 550.000 thùng, chiếm 10% tổng lượng dầu của Iraq. Vì thế, mất quyền kiểm soát Kirkuk sẽ khiến thế lực của KRG và lực lượng Peshmerga suy yếu.
Không chỉ thất bại tại Kirkuk, lực lượng người Kurd cũng đã rút khỏi thị trấn Sinjar rạng sáng 17-10. Thị trấn này thuộc tỉnh Nineveh, miền Bắc Iraq, từng nắm dưới sự kiểm soát của IS và được Peshmerga giải phóng cuối năm 2014 với sự hỗ trợ bằng không kích của Mỹ. Ngoài ra, quân đội chính phủ cũng giành quyền kiểm soát một số khu vực tranh chấp thuộc tỉnh Diyala.
Khu tự trị người Kurd quản lý 3 tỉnh ở miền Bắc Iraq là Irbil, Duhok, Sulaymaniyah và đã không ngừng mở rộng địa bàn trong các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang ở Iraq. Họ là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến năm 2003 và chiến dịch tiêu diệt IS từ mấy năm qua. Phản ứng trước chiến dịch tái chiếm Kirkuk của Chính phủ Iraq, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ không đứng về phía nào trong cuộc xung đột nội bộ trên. Bộ Ngoại giao Mỹ thì kêu gọi người Kurd và chính quyền Baghdad bình tĩnh, kiềm chế khiêu khích nhằm tránh để kẻ thù lợi dụng xung đột sắc tộc ở Iraq.
KIẾN HÒA