TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nhà Trắng vừa công bố chiến lược mới đối với châu Phi cận Sahara, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực và cam kết mở rộng hợp tác quốc phòng với các quốc gia châu Phi cùng chí hướng.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong cuộc gặp với Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi Naledi Pandor hôm 8-8. Ảnh: AP
Ðả kích Nga và Trung Quốc
Theo tài liệu được công bố hôm 8-8, Lầu Năm Góc sẽ bắt tay với các đối tác châu Phi để “làm nổi bật những rủi ro mà các hoạt động tiêu cực của Trung Quốc và Nga ở châu Phi mang lại”. “Chúng tôi sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự và mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí để thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu” - tài liệu nhấn mạnh, qua đó tiết lộ rằng Washingon cũng sẽ “xem xét và tái đầu tư” theo cách có thể hợp tác với lực lượng quân đội châu Phi, đặc biệt là trong các chương trình giúp xây dựng năng lực thể chế, chống tham nhũng và thúc đẩy cải cách. “Lực lượng quân đội cũng như các lực lượng an ninh khác hoạt động hiệu quả, hợp pháp và có trách nhiệm là rất cần thiết trong việc hỗ trợ phát triển xã hội cởi mở, dân chủ và kiên cường cũng như chống lại các mối đe dọa gây mất ổn định, bao gồm cả ở châu Phi”.
Chiến lược mới của Mỹ tuyên bố, Washington sẽ hỗ trợ châu Phi xây dựng năng lực chống biến đổi khí hậu và cùng với các chính phủ, các cơ quan khu vực, gồm Liên minh châu Phi, thúc đẩy phát triển bền vững. Theo đó, Mỹ sẽ giúp lục địa đen số hóa các dịch vụ và hồ sơ tài chính, đầu tư vào hệ thống y tế và cải tiến chuỗi cung ứng cho các mặt hàng quan trọng. Về mặt công nghệ, xứ cờ hoa sẽ nỗ lực để đảm bảo khả năng người dân châu Phi được truy cập mạng Internet với giá cả phải chăng, trong khi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ tìm cách tạo điều kiện cho người dân khu vực tiếp cận các khóa học trực tuyến.
Tài liệu cho biết, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu, Trung Ðông và khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương xem châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia và cam kết hợp tác với Washington. Ngược lại, Trung Quốc coi khu vực này “là đấu trường quan trọng để thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy các lợi ích thương mại và chính trị của riêng mình, làm suy yếu tính minh bạch và cởi mở, đồng thời làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với các dân tộc và chính phủ châu Phi”. Trong khi đó, Nga coi châu Phi là “nơi lý tưởng để triển khai các công ty quân sự nhà nước lẫn tư nhân, vốn thường tạo ra bất ổn vì lợi ích chiến lược và tài chính”.
Châu Phi là “đối tác bình đẳng”?
Chiến lược trên được Mỹ đưa ra giữa lúc Ngoại trưởng Antony Blinken đang có chuyến công du châu Phi. Trong bài phát biểu tại Ðại học Pretoria của Nam Phi hôm 8-8, ông Blinken cho hay Mỹ coi 54 quốc gia của châu Phi là “đối tác bình đẳng” trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Chiến lược của chúng tôi bắt nguồn từ việc công nhận rằng châu Phi cận Sahara là khu vực địa chính trị quan trọng, đã định hình quá khứ của chúng ta, đang định hình hiện tại của chúng ta và sẽ định hình tương lai của chúng ta” - Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.
Ông Blinken cho rằng đó là một chiến lược phản ánh sự phức tạp, sự đa dạng của khu vực, tập trung vào những gì mà Washington sẽ làm và không làm đối với các quốc gia và dân tộc châu Phi. Theo Ngoại trưởng Blinken, chiến lược tập trung vào 4 ưu tiên chính, gồm thúc đẩy sự cởi mở và dân chủ, thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.
Theo Ðài RT, chiến lược này không đưa ra bất kỳ khoản tiền cụ thể nào mà Mỹ dự định chi ở châu Phi. Thay vào đó, nó phác thảo các mục tiêu chính sách rộng lớn hơn của Washington trên lục địa, một số mục tiêu giống với kế hoạch “Ðối tác về đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu” trị giá 600 tỉ USD được lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) công bố hồi tháng 6. Vì thế, dù ông Blinken còn nói rằng Washington đang tìm kiếm “mối quan hệ đối tác thực sự” với châu Phi và không coi châu Phi là sân chơi mới trong cuộc đua giành ảnh hưởng của các cường quốc, nhưng theo RT, chiến lược mới của Mỹ dường như đang cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Mất an ninh lương thực đe dọa 80 triệu người ở khu vực Sừng châu Phi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa lên tiếng cảnh báo rằng hơn 80 triệu người đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, WHO ước tính rằng có hơn 80 triệu người ở 7 quốc gia trong khu vực bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda đang trong tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó hơn 37,5 triệu người được xếp ở Giai đoạn 3 của IPC (Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp của LHQ - công cụ được các tổ chức của LHQ sử dụng để đánh giá nguy cơ mất an ninh lương thực), giai đoạn khủng hoảng mà mọi người cần bán tài sản của họ để nuôi sống bản thân và gia đình họ, và nơi sự suy dinh dưỡng diễn ra tràn lan.
Ðể thực hiện việc hỗ trợ khẩn cấp, WHO đã kêu gọi quyên góp 123,7 triệu USD.