26/09/2022 - 08:26

Châu Phi đối mặt khủng hoảng kép 

NGUYỆT CÁT (Theo Wsws.org)

Chịu tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu, các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với khủng hoảng kép - bao gồm khủng hoảng nợ và khủng hoảng lương thực.

Người dân Ethiopia mệt mỏi chờ nhận lương thực viện trợ. ​

Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng gần 60% trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới - chủ yếu ở châu Phi - đã lâm vào cảnh vỡ nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ, trong khi mức chi trả nợ ở các quốc gia có thu nhập trung bình đang ở mức cao nhất trong 30 năm do số tiền nợ phải trả đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2010-2021.

Sau khi Zambia tuyên bố vỡ nợ cuối năm 2020, Mali cũng lâm cảnh này vào đầu năm 2022. Hiện nay, ngay cả các nước châu Phi lớn hơn cũng được đánh giá là khó có thể trả 21,5 tỉ USD tiền vay nợ Eurobond của họ. Trong số quốc gia mắc nợ trái phiếu này có Ghana - nước nợ hơn 4 tỉ USD; Kenya - quốc gia buộc phải hoàn trả số trái phiếu gần 3 tỉ USD trong 5 năm tới và Ethiopia với khoản nợ 1 tỉ USD từ Eurobond đến hạn hoàn trả vào năm 2024. Tương tự, khả năng thanh toán của Nigeria, quốc gia đang nợ Eurobond gần 2 tỉ USD, cũng bị nghi ngờ.

Do hầu hết khoản vay của những quốc gia châu Phi đến từ các chủ nợ thương mại, nên số nợ của họ hiện dính đến lãi suất thay đổi - nghĩa là số tiền phải trả sẽ tăng lên khi lãi suất gia tăng ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu. Mặt khác, do phần lớn tiền nợ được tính bằng đôla Mỹ vốn có giá trị tăng mạnh gần đây, nên số tiền phải trả thậm chí sẽ còn tăng hơn.

Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, các nước châu Phi còn đối mặt với việc giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối. Có 23/54 quốc gia châu Phi phụ thuộc vào Nga và Ukraine, vì phải nhập khẩu hơn một nửa số mặt hàng thiết yếu từ 2 nước này. Một số quốc gia thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn, như việc Sudan, Ai Cập, Tanzania, Eritrea và Benin nhập khẩu 80% lúa mì từ Ukraine và Nga, trong khi Algeria, Sudan và Tunisia nhập khẩu hơn 95% dầu hướng dương từ hai nước này. Cùng lúc đó, người dân châu Phi cũng đang chứng kiến tình trạng giá cả cao hơn trên diện rộng, làm trầm trọng thêm nạn đói trên khắp lục địa. Như tại Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, giá cả tăng hơn 20% trong khi giá trị đồng naira của nước này đã giảm 25% so với USD kể từ đầu năm, mặc dù lãi suất trong nước đã tăng mạnh. Còn tại Ethiopia, giá cả tăng 32% và giá trị của đồng birr giảm xuống còn khoảng 82 birr “ăn” 1 USD trên thị trường phi chính thức, so với mức 60 birr đổi 1 đôla vào đầu tháng 6.

Tác động tổng hợp của khủng hoảng nợ và chi phí sinh hoạt tăng cao ở các quốc gia nghèo khó của châu Phi đã khiến hầu hết người dân phải vật lộn để kiếm sống. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói nghèo, WB cảnh báo rằng số dân châu Phi sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng từ mức 424 triệu người trước đại dịch năm 2019 lên 463 triệu người trong năm nay, tức hơn 1/3 trong tổng số 1,2 tỉ dân của lục địa này.

Các nước cam kết hàng trăm triệu USD ngăn chặn nạn đói ở vùng Sừng châu Phi

Nhiều nước vừa cam kết viện trợ bổ sung hàng trăm triệu USD cho vùng Sừng châu Phi sau khi Liên Hiệp Quốc gióng lên hồi chuông cảnh báo vì hạn hán nghiêm trọng trong khu vực kéo theo nạn đói rình rập các nước khu vực này.

Cụ thể, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power thông báo Washington sẽ cung cấp thêm 151 triệu USD để hỗ trợ Somalia. Trong khi đó, Ý, Anh và Qatar cũng cam kết hỗ trợ bổ sung.

Vùng Sừng châu Phi (gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia) với khoảng 130 triệu dân đang chứng kiến đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm trở lại đây.

Chia sẻ bài viết